Các cơ quan báo chí đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt của mạng xã hội, nên bắt buộc phải phải nhanh chóng đón đầu công cuộc chuyển đổi số.
Đây là nhận định của chuyên gia, lãnh đạo các cơ quan báo chí đóng trên địa bàn TPHCM tại sự kiện Kết nối sáng tạo tháng 6 với chủ đề "Nghiên cứu các giải pháp chuyển đổi số phục vụ ngành báo chí", do Sở Khoa học Công nghệ TPHCM tổ chức chiều 25/6.
Nhiều cơ quan báo chí đã tích cực chuyển đổi số
Theo Thạc sỹ Nguyễn Văn Khanh, Phó Giám Đốc Trung Tâm Báo chí TPHCM, hiện nay, một số cơ quan báo chí đã tiên phong về chuyển đổi số với các công nghệ số tiêu biểu như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), lưu trữ đám mây (Cloud), dữ liệu lớn (Big data)...
"Nhiều cơ quan báo chí đã bước đầu chuyển đổi số khá thành công, từng bước tiến lên tòa soạn hiện đại...", ông Khanh nói.
Các chuyên gia tham dự sự kiện Kết nối sáng tạo tháng 6 với chủ đề "Nghiên cứu các giải pháp chuyển đổi số phục vụ ngành báo chí". (Ảnh: Quốc Hải) |
Cũng theo ông Khanh, một số cơ quan báo chí đã chủ động xây dựng được tòa soạn hội tụ đa phương tiện, với môi trường làm việc ngày càng hiện đại.
Chẳng hạn, báo Pháp luật TPHCM hiện nay khai thác 2 kênh mạng xã hội Youtube với chuyên mục “Nóng hôm nay” và “Điều tra”, 2 Kênh TikTok, 1 Fanpage Facebook, 1 kênh Zalo. Ngoài ra, tòa soạn còn khai thác các nền tảng khác như My Clip, Lotus, Google News, Gapo...
"Những sản phẩm báo chí mới trên nhiều nền tảng khác nhau từ web, Facebook đến Tiktok, Youtube với các thể loại báo chí mới giúp nhiều tờ báo lớn của TPHCM tăng mạnh tính tương tác hai chiều với độc giả, tạo cảm giác gần gũi hơn giữa bạn đọc và báo", ông Khanh nhận xét.
Thạc sỹ Nguyễn Minh Hải, Trưởng Phòng Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM. (Ảnh: Quốc Hải) |
Đồng quan điểm, Thạc sỹ Nguyễn Minh Hải, Trưởng Phòng Báo chí - Xuất bản Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cũng cho hay, tại địa bàn thành phố hiện có 19 cơ quan báo chí (7 báo in, 1 đài phát thanh, 1 đài truyền hình và 10 tạp chí).
Trừ 3 tạp chí khoa học, còn lại 16 cơ quan báo chí đã từng bước thực hiện việc chuyển đổi số nhằm tạo ra những giá trị mới.
Chẳng hạn, tại báo Người Lao Động, sau hơn 1 năm triển khai, chuyên mục “Dành cho bạn đọc VIP” đã xuất bản 255 bài báo chất lượng cao về nội dung, được trình bày bắt mắt về hình thức, chủ yếu dưới dạng e-Magazine. Tính đến 15/10/2023, báo đã thu hút gần 19.350 tài khoản đăng ký.
Vẫn còn những hạn chế
Thạc sỹ Nguyễn Minh Hải nhấn mạnh, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng các cơ quan báo chí thành phố vẫn gặp không ít khó khăn trong tiến trình thực hiện chuyển đổi số, như về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, vốn, nguồn nhân lực, vấn đề khai thác, phân tích dữ liệu…
Báo chí của thành phố thiếu tự chủ về công nghệ, buộc phải lệ thuộc vào công nghệ của đối tác. Điều này làm yếu tố bảo mật và năng lực thương mại của các cơ quan báo chí bị ảnh hưởng không nhỏ.
"Các cơ quan báo chí khi hoạt động đa nền tảng cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi thông tin trên mạng xã hội, có nguy cơ bị dẫn dắt bởi tin tức giả mạo, sai lệch, thiếu kiểm chứng… trong khi việc xác minh các nguồn tin cũng như xác định các xu hướng trên không gian mạng rất khó khăn, thậm chí là bất khả thi", ông Hải dẫn chứng.
Trong khi đó, Thạc sỹ Nguyễn Văn Khanh, Phó Giám Đốc Trung Tâm Báo chí TPHCM lo ngại việc các cơ quan báo chí bị ăn cắp bản quyền nội dung thường xuyên, liên tục trong nhiều năm qua, cho đến nay vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn.
"Dù pháp luật về sở hữu trí tuệ đã có nhiều quy định, bản thân một số cơ quan báo chí như báo Pháp luật TPHCM, Tuổi trẻ, Người Lao động,... đã chủ động thành lập Tổ Bản quyền để đấu tranh ngăn chặn ăn cắp bản quyền nhưng hiệu quả còn thấp, chưa biết bao giờ mới chấm dứt", thạc sỹ Nguyễn Văn Khanh, Phó Giám Đốc Trung Tâm Báo chí TPHCM, nhận xét.