Điều kiện cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục đại học có vai trò quan trọng trong việc cung cấp môi trường học tập chất lượng.
Nhiều trường đại học đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, nhất là sau khi Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT ra đời. Song vẫn còn những khó khăn, trở ngại trong vấn đề này tại các cơ sở giáo dục đại học.
Thông tư 01/2024 ban hành ngày 5/2/2024 quy định chuẩn cơ sở giáo dục đại học với 6 tiêu chuẩn và 20 tiêu chí, được xem là thước đo để thực hiện quy hoạch sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học. Thông tư cũng nhằm đánh giá và giám sát các điều kiện đảm bảo chất lượng, thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật.
Theo số liệu từ các báo cáo 3 công khai, không chỉ các trường đại học tư thục mà nhiều trường đại học công lập lớn, trường đại học thành viên các đại học quốc gia, đại học vùng của cả nước cũng đều có diện tích đất trên sinh viên rất khiêm tốn.
Chẳng hạn, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) đạt 16,01m2; Trường Đại học Văn hóa TPHCM đạt 10,57m2; Trường Đại học Ngân hàng TPHCM đạt 7,01m2; Trường Đại học Ngoại thương đạt 5,3m2; Học viện Ngoại giao 2,4m2…
Theo TS Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TPHCM có 51 trường đại học, trong đó 33 cơ sở giáo dục thuộc các bộ, ngành; 3 cơ sở trực thuộc thành phố, 15 cơ sở ngoài công lập. Mục tiêu của Chiến lược phát triển giáo dục TPHCM từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ban hành ngày 16/1/2024 là đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Theo đó, đến năm 2025, tỷ lệ cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập đạt 30% và số sinh viên ngoài công lập đạt 22,5%. Đến năm 2030, các tỷ lệ này lần lượt được nâng lên là 35% và 25%.
Việc phát triển các trường đại học ngoài công lập là một xu thế tất yếu tại các nước trên thế giới. “Như vậy, để thực hiện được mục tiêu này, TPHCM cần có những chính sách hỗ trợ để các trường đại học ngoài công lập trên địa bàn đáp ứng được yêu cầu về diện tích theo chuẩn cơ sở giáo dục đại học”, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành nhận định.
TS Trần Ái Cầm cho biết, với quỹ đất hạn chế, nhiều trường đại học có diện tích đất bình quân trên mỗi sinh viên thấp hơn nhiều so với yêu cầu đặt ra của chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Cụ thể, tiêu chuẩn về cơ sở vật chất quy định tại Thông tư 01/2024 yêu cầu, từ năm 2030, diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25m2.
Còn theo công bố số liệu 3 công khai của một số trường đại học ngoài công lập tại TPHCM, đa phần có diện tích đất trên sinh viên nhỏ hơn nhiều lần tiêu chuẩn, như: Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) đạt 1,33m2; Trường Đại học Văn Lang 1,4m2; Trường Đại học Hoa Sen 1,4m2; Trường Đại học Nguyễn Tất Thành 11,13m2. Việc xây dựng cơ sở vật chất tại các trường đại học cũng gặp nhiều khó khăn.
TS Trần Ái Cầm nêu thực tế, ở khối trường tư thục, nhiều đơn vị đã đầu tư mạnh mẽ vào xây dựng các tòa nhà giảng dạy, thư viện, phòng thí nghiệm hiện đại và ký túc xá cho sinh viên. Tuy nhiên, một số trường còn hạn chế về tài chính dẫn đến việc cơ sở vật chất chưa đạt chuẩn, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và học tập.
Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cũng không đồng đều giữa các cơ sở giáo dục đại học. Một số đơn vị ngoài công lập đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất, xây dựng các tòa nhà giảng dạy, thư viện, phòng thí nghiệm hiện đại và ký túc xá đạt chuẩn.
Tuy nhiên, nhiều trường khác vẫn còn hạn chế về tài chính, dẫn đến cơ sở vật chất cũ kỹ, không đáp ứng được yêu cầu mới. Chất lượng cơ sở vật chất tại nhiều trường vẫn còn thấp, thiếu các phòng học, phòng thí nghiệm hiện đại. Thư viện chưa đầy đủ tài liệu học tập, ảnh hưởng đến quá trình giảng dạy và học tập của người học.
Cơ sở vật chất hạn chế nhưng chính sách hỗ trợ từ Nhà nước với các trường ngoài công lập cũng còn hạn chế, đặc biệt về mặt tài chính và quỹ đất. Các trường phải tự xoay xở để tìm kiếm nguồn lực. Hiện nay, các trường đại học ngoài công lập chủ yếu dựa vào nguồn thu học phí của sinh viên. Khi số lượng sinh viên giảm hoặc học phí không đủ cao, các trường sẽ gặp khó khăn trong việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất.
Theo các chuyên gia giáo dục đại học, đầu tư cơ sở vật chất đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, nghiên cứu và phát triển bền vững. Một trường đại học có cơ sở vật chất tốt là điều kiện tiên quyết thúc đẩy việc dạy và học một cách hiệu quả, thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, quốc tế hóa giáo dục.
Một trong những yếu tố góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện cơ sở vật chất của các trường là triển khai đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Song, nhiều trường đại học hiện vướng mắc các vấn đề về đầu tư xây dựng ở khía cạnh pháp lý.
Trường Đại học Bách khoa TPHCM (Đại học Quốc gia TPHCM) đang có vướng mắc rất lớn về đất đai tại cơ sở Lý Thường Kiệt (Quận 10, TPHCM). Cụ thể, cơ sở này có tổng diện tích hơn 140 nghìn m2, được chia làm 3 khu, mỗi khu có lối đi riêng. Do các vướng mắc về giao và quản lý đất nên đến nay nhà trường chưa được cấp quyền sử dụng đất, kéo theo các vấn đề vướng mắc trong đầu tư xây dựng.
Điều này gây ra nhiều khó khăn trong công tác định hướng quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất của nhà trường. Hệ quả từ việc không có chủ quyền đất kéo theo các vấn đề vướng mắc trong đầu tư xây dựng.
Các công trình xây dựng lâu đời hiện bị xuống cấp nhưng không thể điều chỉnh quy hoạch, xin giấy phép xây dựng cho các công trình mới (khu giảng đường, nhà xưởng, phòng thí nghiệm) và các cơ sở hạ tầng khác.
Theo định hướng của Trường Đại học Bách khoa TPHCM, một khi được giải quyết các vướng mắc trong quản lý và đầu tư hạ tầng, nhà trường sẽ chỉnh trang và quy hoạch có nhiều phân khu như: Khu hành chính, văn phòng; khu giảng đường, lớp học; khu phòng thí nghiệm, nhà xưởng; khu thể dục thể thao; các công trình hạ tầng mảng xanh, giao thông, bãi đỗ xe. Ngoài ra, khuôn viên nhà trường sẽ có thêm khu dành cho các hoạt động nghiên cứu đổi mới công nghệ và ươm tạo doanh nghiệp với quy mô và hệ sinh thái xứng tầm.
Trường Đại học Tài chính - Marketing (TPHCM) cũng gặp khó khăn trong việc phát triển cơ sở vật chất khi rơi vào tình trạng “có tiền nhưng việc đầu tư rất khó khăn”. Tình trạng xuất phát từ các vấn đề liên quan phòng cháy chữa cháy, quy hoạch, liên quan đánh giá tác động môi trường, đầu tư…
PGS.TS Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, với diện tích đất lớn, Trường Đại học Tài chính - Marketing mong muốn đầu tư xây dựng thêm các giảng đường, các nhà thi đấu đa năng… nhưng cũng đang gặp vướng do liên quan đến quy hoạch 1/2.000 của thành phố.
“Trường tôi nhận một cơ sở ở phường Long Trường (TP Thủ Đức) rộng khoảng 8 ha, đầu tư bài bản rồi nhưng tuyến đường đi vào trường hiện rất vướng. Chỉ là một cái ngõ 3,5m, nhà trường sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư con hẻm đi vào này nhưng cơ chế không cho phép”, PGS.TS Phạm Tiến Đạt nêu thực tế.
Tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng, nhà trường luôn chú trọng mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ công tác giảng dạy, học tập. Hiện, trường là một trong số những cơ sở giáo dục đại học đẹp, hiện đại ở phía Nam.
Tuy nhiên, nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Trong đó, vướng mắc lớn nhất là thủ tục xác định giá đất và thủ tục đầu tư của khu mở rộng tại cơ sở chính Tân Phong (Quận 7, TPHCM).
Do vướng các thủ tục pháp lý, nhà trường đã tạm dừng đầu tư xây dựng thêm các công trình, làm ảnh hưởng đến nhu cầu phát triển cơ sở vật chất ngày càng tăng của trường. Công tác đầu tư, mua sắm cơ sở vật chất gặp nhiều khó khăn với các thủ tục về thẩm định giá và đấu thầu.
Theo TS Trần Ái Cầm để đáp ứng các tiêu chí của Thông tư 01/2024 về cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy và các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, các trường đại học cần đầu tư lớn và có kế hoạch chi tiết. Điều này đòi hỏi sự quản lý và triển khai hiệu quả. Việc thực hiện các tiêu chí mới của Thông tư yêu cầu các trường phải điều chỉnh nhiều mặt, từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giảng viên, phải tuân thủ các quy trình, thủ tục theo quy định.
Để đảm bảo được tiêu chí diện tích đất 25m2 trên mỗi người học, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đề xuất TPHCM có chính sách hỗ trợ tăng quỹ đất và phân bổ quỹ đất cho hợp lý. Theo đó, cần xây dựng chính sách phân bổ quỹ đất dành riêng cho các trường đại học công lập; hỗ trợ thêm chính sách ưu đãi về giá thuê đất hoặc miễn giảm tiền thuê đất trong khoảng thời gian nhất định để hỗ trợ các trường đại học ngoài công lập.
Ngoài ra, thành phố cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp phép sử dụng đất cho các trường đại học ngoài công lập, rút ngắn thời gian và giảm chi phí. Bên cạnh đó, cần thiết lập chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi dành riêng cho việc xây dựng và phát triển cơ sở vật chất của các trường đại học ngoài công lập.
Hiện, TPHCM đang quy hoạch phát triển không gian tổng thể và xây dựng cấu trúc thành phố đa trung tâm bao gồm các tầng bậc. Trong đó, có định hướng phát triển hạ tầng giáo dụ̣c đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TPHCM thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, mạng lưới giáo dục đại học và đào tạo nghề nghiệp được tập trung thành từng cụm ở khu vực ngoại thành và ưu tiên phát triển theo 3 hướng: Đông, Nam, Tây Bắc.
Ngoài ra, định hướng trên đề xuất một số trung tâm giáo dục mang tính trọng điểm trong quy hoạch mới theo 2 hướng giải pháp. Tại các khu vực không còn quỹ đất cho giáo dục, sẽ đánh giá khả năng cải tạo, chỉnh trang, gia tăng hệ số sử dụng đất cho phép tăng chiều cao, chồng tầng nhưng không làm giảm diện tích sân chơi, cây xanh.
Tại các khu vực còn quỹ đất trống, thành phố khuyến khích việc sắp xếp, mở rộng các cơ sở, rà soát bố trí thêm quỹ đất dưới nhiều phương án: Hoán đổi đất công, thu hồi và chuyển đổi công năng sử dụng đối với các quỹ đất công sử dụng chưa hiệu quả, khuyến khích xã hội hóa giáo dục.
Liên quan đến khó khăn của các trường cao đẳng, đại học trong việc phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng, đất đai, mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã có chỉ đạo gỡ vướng.
Theo đó, Văn phòng UBND TPHCM sẽ chủ trì, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các trường đại học; tham mưu UBND thành phố, chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện và TP Thủ Đức giải quyết các kiến nghị, đề xuất của các trường đại học trên địa bàn.