Không dùng điểm rèn luyện để xét học bổng, tuy nhiên, Đạt đặt mốc điểm mình phải đạt được là trên 80 - số điểm theo cậu chỉ là một mức điểm khá. Với Đạt, không khó để đạt mức điểm trên, cậu chỉ cần chơi mini game và dành thời gian rảnh tham dự các hoạt động trong trường với tư cách khán giả.
Tổng số hoạt động ngoại khóa Đạt đã tham gia trong học kỳ I vừa qua. Ảnh: NVCC. |
“Hồi năm nhất, mình không rõ cách tính điểm rèn luyện, cứ chia sẻ tràn lan các mini game, tham gia đến 40-50 cái nhưng cuối cùng cũng chỉ được tính điểm tương ứng với việc tham gia 7-10 hoạt động”, Đạt cho biết các bạn sinh viên, nhất là sinh viên năm nhất, cần lưu ý điều này để tránh tham gia hoạt động tràn lan.
Đạt nhớ lại hồi năm nhất, gần như cuối tuần nào cậu cũng tham gia hoạt động tại trường, không có thời gian để về thăm nhà. Học xong buổi sáng, trưa về ăn vội vàng để đến trường tham gia hoạt động. Một số bạn Đạt còn phải ngồi xe buýt gần một giờ đồng hồ để di chuyển từ cơ sở quận 1 đến cơ sở Thủ Đức để tham gia hoạt động, câu lạc bộ.
Rút kinh nghiệm, từ sau năm nhất trở đi, Đạt chọn lọc hoạt động để tham gia hơn. Cậu thường tham gia vào 2 hoạt động chính là làm khán giả dự các cuộc thi học thuật, hội thảo, talkshow trong trường và tương tác với các mini game trên mạng xã hội trường hoặc các khoa.
Theo cậu, tham dự các hoạt động như các cuộc thi học thuật, hội thảo, talkshow ngoài mục đích kiếm điểm rèn luyện còn giúp cậu tích lũy thêm kiến thức dù không nhiều. Các mini game với cậu hầu như chỉ mang tính chất lấy điểm rèn luyện “cho vui” chứ không mang lại nhiều kiến thức.
Anh Trần Ngọc Minh Đức, nguyên Bí thư Đoàn khoa Báo chí - Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, đánh giá sinh viên có 2 bộ phận: Các bạn tham gia chương trình vì thích hoặc quan tâm đến nội dung chương trình và các bạn khác tham gia chỉ với mục đích lấy điểm rèn luyện.
“Với mình, chuyện nhóm thứ 2 đông hơn nhóm một là do ban tổ chức chưa chọn được nội dung chương trình đủ hay để phục vụ số đông sinh viên. Chính vì vậy, khi còn làm công tác Đoàn ở trường đại học, mình và ban tổ chức luôn cân nhắc lợi ích mà các hoạt động đem lại cho sinh viên”, anh Đức nói.
Theo anh, điểm rèn luyện đánh giá quá trình mỗi sinh viên tự rèn giũa bản thân. Do đó, nếu việc tham gia hoạt động ảnh hưởng đến học tập và cuộc sống cá nhân, đồng nghĩa đã đi ngược mục tiêu ban đầu của việc rèn luyện.
“Không ít bạn phấn đấu điểm rèn luyện cao là để xét các học bổng, danh hiệu. Những danh hiệu này cũng luôn yêu cầu điểm học tập cao. Việc chỉ tập trung vào một khía cạnh mà bỏ bê khía cạnh còn lại thì cũng thành công cốc”, anh Đức nói.
Đồng quan điểm, Tuấn An, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phóng Viên Trẻ, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, cũng nhận định việc tham gia các hoạt động như talkshow, workshop, hội thảo... là điều sinh viên nên làm để phát triển bản thân.
Tuy nhiên, cậu cho rằng các bạn nên cân đối được quỹ thời gian học tập và sinh hoạt cá nhân trước rồi mới tham gia hoạt động khác để tránh ảnh hưởng đến học tập.
An gợi ý các bạn sinh viên chỉ cần chọn sự kiện đúng mối quan tâm, chuyên ngành và sở thích của mình. Ngoài ra, khi tham gia sự kiện cũng cần chọn những bạn tổ chức có uy tín để đảm bảo trải nghiệm của mình được trọn vẹn nhất.
Bên cạnh đó, anh Đức cho hay các bạn sinh viên cũng nên xem kỹ lại thang điểm rèn luyện để tránh việc tham gia thừa/thiếu hoạt động ở một tiêu chí nào đó hoặc tránh trường hợp có một hoạt động đáp ứng cùng lúc nhiều tiêu chí mà không biết.