“Vấn đề lớn nhất đối với chính sách kinh tế là tốc độ thoái lui của các động lực tăng trưởng, chủ yếu là ở lĩnh vực bất động sản”, Wei He, một nhà phân tích của Gavekal Dragonomics cho biết.
Nhiều nhà phân tích đổ lỗi cho thị trường bất động sản bởi cho rằng đây là nguyên nhân chính khiến kinh tế Trung Quốc bi quan trong quý II. Một số còn đưa ra cảnh báo rằng một cuộc khủng hoảng kéo dài sẽ đe dọa mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Bắc Kinh trong năm 2023. Triển vọng tăng trưởng ngày càng trở nên bất ổn.
“Trung Quốc đang đối mặt với áp lực phải đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 5% trong khi phải chịu cú sốc kép cả trong và ngoài nước. Chúng ta cần nỗ lực hơn để đảo ngược xu hướng giảm tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn”, Mao Zhenghua, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế tại Đại học Renmin, cho biết. “Chúng ta đang phải trả giá cho bong bóng bất động sản, thứ khiến giá tăng cao liên tục trong những năm qua. Đây là cách duy nhất để Trung Quốc giảm bớt sự phụ thuộc vào bất động sản”.
Nhìn nhận nỗ lực phục hồi kinh tế của Trung Quốc là một quá trình “sóng gió và khúc khuỷnh”, Bộ Chính trị lưu ý nhu cầu trong nước không đủ, lại “nhiều rủi ro tiềm ẩn ở các lĩnh vực quan trọng”. Theo Zhong Zhengsheng, chuyên gia kinh tế trưởng của Ping An Securities, “việc khôi phục niềm tin vào các doanh nghiệp tư nhân” là rất quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất tiên tiến.
“Về cơ bản, sự hồi sinh niềm tin doanh nghiệp tư nhân nằm ở việc mở rộng nhu cầu trong nước”, Zhong Zhengsheng nói.
Theo SCMP, Bắc Kinh có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất thế chấp và nới lỏng hơn nữa các hạn chế tại các thành phố. Chính phủ cũng có thể thực hiện một đợt cải tạo khác liên quan đến “các làng đô thị” hoặc “thị trấn ma” kể từ năm 2015.
Li Xunlei, nhà kinh tế trưởng của Zhongtai Securities, cho biết Trung Quốc phải điều chỉnh cơ cấu kinh tế để giảm sự phụ thuộc vào bất động sản và mở rộng tiêu dùng. Nguyên nhân là bởi nước này đang phải đối mặt với một xã hội già hóa nhanh chóng trong khi tiềm năng tăng trưởng thấp đi.
“Bước ngoặt trong chu kỳ bất động sản đang đến gần. Lợi tức đầu tư cơ sở hạ tầng đang giảm. Áp lực nợ rất lớn, trong khi việc phụ thuộc vào bất động sản không còn bền vững”, Li Xunlei nhận định.
Dẫu vậy, theo Ma Guangyuan, đại diện Ủy ban Kinh tế Trung ương của Hiệp hội Xây dựng Quốc gia Trung Quốc, thị trường bất động sản trong tương lai vẫn sẽ là trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc.
“Đây vẫn là kênh đầu tư chính”, Ma nói, đồng thời cho biết “thị trường bất động sản chính là động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế nói chung”.
Theo: SCMP