Một nữ sinh trung học ở Trung Quốc tiết lộ gia đình cô vừa mua chiếc tivi đầu tiên, sau khi cô được tuyển thẳng vào Đại học Bắc Kinh - ngôi trường danh giá bậc nhất xứ tỷ dân.
Tian Chang là học sinh lớp 12 tại Trường Ngoại ngữ Trịnh Châu, nằm ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), em vừa được tuyển thẳng vào khoa ngôn ngữ Myanmar của Đại học Bắc Kinh.
Như vậy, từ vài tháng trước khi kỳ thi cao khảo (kỳ thi đại học tại Trung Quốc) diễn ra, Tian Chang đã có thể yên tâm về việc học của bản thân ở bậc đại học.
Trong cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), Tian Chang cho biết gia đình em đã kỷ niệm sự kiện này bằng việc lần đầu tiên đi mua... một chiếc tivi.
Tian Chang kể rằng từ nhỏ em cũng không được phép sử dụng điện thoại, dù cha mẹ đã mua cho em điện thoại riêng. Mỗi ngày, Tian Chang chỉ được sử dụng điện thoại để nhắn tin trò chuyện với bạn bè trong vòng 10 phút, còn lại, thời gian chủ yếu của Tian Chang dùng để học tập.
Tian Chang cho biết em hoàn toàn đồng tình với cách nuôi dạy nghiêm khắc của cha mẹ. Tian cho biết cha mẹ em thường ngồi đọc sách bên cạnh, trong khi em ngồi học bài vào buổi tối. Cha mẹ em chỉ đi ngủ sau khi em đã làm xong bài tập.
Nữ sinh cho biết em có kết quả học tập tốt và luôn nhanh chóng tiếp thu các kiến thức mới. Tian thường đứng đầu lớp trong suốt quá trình học tập, bắt đầu từ bậc tiểu học. Em từng đạt 587/600 điểm trong kỳ thi vào trường cấp III.
Theo Tian, một yếu tố giúp em học tốt là em biết chơi đàn nhị từ nhỏ. Em tin rằng loại nhạc cụ này đã sớm giúp em phát triển não bộ, tăng khả năng tưởng tượng, sáng tạo và ngôn ngữ.
Tian cho biết em muốn theo đuổi chuyên sâu ngành ngôn ngữ và văn hóa Myanmar bởi đây là lĩnh vực còn ít người theo học tại Trung Quốc.
Khi những chia sẻ của Tian Chang được biết tới, cộng đồng mạng Trung Quốc đã có nhiều tranh cãi. Một số người ủng hộ cách giáo dục nghiêm khắc của cha mẹ nữ sinh.
Ngược lại, một số ý kiến cho rằng phương pháp giáo dục của cha mẹ Tian Chang quá khắt khe và có thể hạn chế sự phát triển toàn diện của nữ sinh này.
"Cách nuôi dạy như vậy sẽ làm trẻ thiếu trải nghiệm sống và trưởng thành muộn hơn so với bạn bè đồng trang lứa", một cư dân mạng bày tỏ.
Một người khác lại đặt câu hỏi về định hướng của cha mẹ Tian Chang và cho rằng hai vị phụ huynh này đã quá đặt nặng thành tích: "Vào được trường đại học danh tiếng có phải là ý nghĩa duy nhất của hành trình trưởng thành không?
Nhiều người tốt nghiệp đại học hàng đầu nhưng khi ra trường, cuộc sống vẫn rất chật vật. Theo tôi, điều quan trọng là dạy trẻ biết sống vui vẻ, hạnh phúc".
Dự kiến năm nay, Trung Quốc sẽ có 14 triệu thí sinh tham gia kỳ thi cao khảo, số lượng thí sinh dự thi năm nay tăng hơn 500.000 so với năm ngoái.
Với nhiều gia đình Trung Quốc, đỗ đại học vẫn được coi là con đường lý tưởng nhất để "lập thân, lập nghiệp", vì vậy, việc học tập thường được các phụ huynh thúc ép từ bậc tiểu học.