Con học nội trú, cha mẹ cần làm gì?

Vân Huyền | 15/07/2022, 06:46
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Có nên cho con học trường nội trú hay không là câu hỏi của rất nhiều cha mẹ. Phụ huynh thường băn khoăn liệu có nên cho trẻ sống xa nhà ngay từ khi còn nhỏ mà không biết rằng đây là môi trường học tập giúp trẻ trưởng thành hơn trong tương lai.

Chia sẻ về vấn đề này, Thạc sĩ tâm lý Đinh Văn Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống ATC, giảng viên kỹ năng mềm - cho biết, khi học tại trường nội trú, cơ sở giáo dục sẽ có một lộ trình riêng. Do đó, trẻ không chỉ học tập, được quan tâm giám sát từ nhà trường, mà còn có những chương trình vui chơi, phát triển thể chất và tinh thần khác.

Trẻ cũng được tập sống tự lập, có nhiều mối quan hệ. Tuy nhiên, học nội trú cũng lấy đi thời gian của trẻ bên gia đình. Sự trò chuyện trực tiếp giữa cha mẹ và con giảm, thiếu vắng sự va chạm một số khía cạnh thực tế xã hội. Sự tự trải nghiệm, khám phá của trẻ cũng hạn chế theo.

Theo Thạc sĩ Thịnh, để chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước khi học nội trú, cha mẹ cần giúp con đón nhận lối sống theo khuôn khổ, kỷ luật. Trẻ cũng cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng thích nghi với những mối quan hệ, công việc, học tập nhiều hơn… Ngoài ra, phụ huynh cũng được khuyến khích trò chuyện và làm rõ mục tiêu muốn con học nội trú.

Ví dụ, cha mẹ có thể nói về lý do, như vì hoàn cảnh gia đình, hay vì muốn tốt cho con. Nhờ đó, để trẻ hiểu và chấp nhận. Cha mẹ cũng cần làm rõ với trẻ rằng, khi học nội trú, con sẽ xa gia đình. Thời gian cha mẹ gặp trực tiếp con sẽ giảm và xem cảm xúc của trẻ thế nào.

Không ít phụ huynh băn khoăn về độ tuổi phù hợp để trẻ có thể học nội trú. Thạc sĩ Đinh Văn Thịnh cho biết: “Không phải là độ tuổi nào thì sẽ phù hợp với việc học nội trú. Thay vào đó, trẻ sẽ phù hợp để học nội trú khi biết sống tự lập, biết cơ bản về kỹ năng tự chăm sóc bản thân, thói quen sống gọn gàng, có tính kỷ luật bản thân, biết yêu thương quan tâm người khác. Những điều này muốn có được phải bắt nguồn từ những thói quen trước đó và sự giáo dục từ trong gia đình”.

Con học nội trú: Cha mẹ cần làm gì? ảnh 2
Độ tuổi không phải là yếu tố quyết định để học nội trú. Ảnh minh họa

Không “phó mặc” trách nhiệm cho trường

Anh Nguyễn Hùng Mạnh - một phụ huynh có con đang học tại trường nội trú ở Hà Nội - cho biết, do gia đình có điều kiện nên quyết định cho trẻ học xa nhà. Phụ huynh này chia sẻ, thời gian gần đây, con anh thường xuyên mê điện tử, bị bạn bè lôi kéo trốn học đi chơi. Áp dụng nhiều biện pháp, nhưng con vẫn không chịu học, vợ chồng anh Mạnh không biết làm thế nào.

“Tôi không biết làm cách nào để con chịu học. Cháu đã có dấu hiệu sẽ hư. Nếu tiếp tục thế này, không biết tương lai cháu sẽ ra sao. Tôi chuyển trường để cách ly con với bạn bè. Tuy nhiên, sang trường mới, cháu cũng không thay đổi”, anh Mạnh kể.

Vì vậy, sau khi được bạn bè giới thiệu, vợ chồng anh Mạnh quyết định để con học tại trường nội trú, với hy vọng “phó mặc” tất cả việc dạy trẻ cho thầy cô. Tuy nhiên, thực tế, sau khi tốt nghiệp ra trường, con anh Mạnh... vẫn vậy.

Theo Thạc sĩ Thịnh, trường nội trú sẽ có chương trình giáo dục dành cho các em có nhu cầu ở lại. “Trẻ sẽ được giám sát và quan tâm, có những chương trình giúp các em phát triển toàn diện. Vì thế mà việc “rảnh rỗi sinh nông nổi” giảm. Cha mẹ xem đây là một cách để giải quyết vấn đề thì cũng có lý của cha mẹ. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần lưu ý, khi con hết học nội trú ở trường thì sẽ trở về nhà. Gia đình cần có những phương án đồng hành cùng con. Các con sẽ không ở nội trú mãi hay được sự giám sát liên tục. Các con cần được lớn lên, được hướng dẫn đồng bộ từ nhà trường, gia đình”, chuyên gia nhấn mạnh.

Vì vậy, theo Thạc sĩ Đinh Văn Thịnh, cha mẹ không nên giao phó tất cả việc giáo dục con mình cho nhà trường. Thực tế, việc giáo dục trẻ cần sự đồng bộ từ nhà trường, gia đình. Gia đình cần dành thời gian và định hướng phù hợp cho trẻ. Đồng thời, dành thời gian tâm sự để hiểu con. Từ đó, đồng hành với trẻ trong hành trình lớn lên, khám phá cuộc sống ở nhiều khía cạnh sức khỏe, gia đình, tình bạn, tình yêu, công việc và những giá trị khác.

“Ngày nay, đời sống vật chất tăng cao. Nhiều gia đình có xu hướng chạy theo đời sống vật chất, lo kinh tế. Kết quả ‘điều tra về kiến thức, thái độ, hành vi của cộng đồng về quyền trẻ em’ tại 10 tỉnh, thành với sự tham gia của 3.000 người cho thấy, các nhu cầu rất quan trọng đối với trẻ, nhưng chưa được gia đình quan tâm là: Vui chơi giải trí, phát triển năng khiếu, quyền được tiếp cận thông tin thích hợp và tham gia những hoạt động xã hội”, chuyên gia dẫn chứng.

Thạc sĩ Thịnh cho biết, điều quan trọng là phần lớn các em cho rằng: “Cha mẹ vẫn chưa hiểu rõ mình; Đa số cha mẹ chưa hiểu vì chỉ lo vật chất, cơm ăn áo mặc cho chúng em, còn lại là không quan trọng”. Vì vậy, thời gian dành cho con, sự quan tâm, yêu thương trẻ cũng giảm đi nhiều.

“Chúng ta hay nói với nhau rằng, gia đình là nơi để về, là bình yên, là hạnh phúc. Vậy mà hôm nay, chúng ta vẫn thấy đâu đó còn nhiều tâm sự của người trẻ về sự cô đơn trong gia đình, mất điểm tựa. Nếu có thể, cha mẹ hãy dành một chút gì đó cho con mình, một chút thời gian bên con mỗi ngày, tâm sự hay chơi cùng con, một vài câu hỏi về ngày hôm nay. Như thế, tôi tin các em sẽ có chút ấm lòng và là động lực để học tập, phát triển, tình thương giữa cha mẹ và con triển nở”, Thạc sĩ Đinh Văn Thịnh chia sẻ.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/con-hoc-noi-tru-cha-me-can-lam-gi-post600445.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/con-hoc-noi-tru-cha-me-can-lam-gi-post600445.html
Bài liên quan
Lối mở nào cho cơ chế hoạt động trường Phổ thông dân tộc nội trú?
Vùng tuyển sinh bị thu hẹp, thiếu nhân lực, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học còn hạn chế…là những khó khăn mà nhiều trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh Quảng Ninh đang gặp phải.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Con học nội trú, cha mẹ cần làm gì?