Ngày 22/5, Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (DHS) tuyên bố thu hồi giấy phép Chương trình Sinh viên và Trao đổi Du học (SEVP) của Đại học Harvard.
Điều này khiến toàn bộ du học sinh rơi vào trạng thái hoảng loạn, lo âu và không chắc chắn về tương lai.
Không chỉ là một quyết định hành chính mang tính pháp lý, đây là đòn giáng mạnh vào niềm tin của sinh viên quốc tế, những người đã đặt cược cả sự nghiệp, tài chính và tuổi trẻ vào nền giáo dục Mỹ - nơi từng được xem là biểu tượng của tự do học thuật và cơ hội toàn cầu.
Nỗi hoang mang lan nhanh như một làn sóng sau khi các sinh viên nhận được thông báo qua điện thoại chỉ vài phút sau buổi gặp mặt chia tay tốt nghiệp tại Trường Harvard Kennedy.
Anh Karl Molden, sinh viên người Áo, chia sẻ : “Có rất nhiều sinh viên từ khắp nơi trên thế giới đến Harvard để thay đổi nước Mỹ và làm cho quê hương của họ tốt đẹp hơn. Nhưng giờ đây, tất cả mong muốn ấy có nguy cơ tan vỡ. Điều đó khiến tôi rất buồn”.
Việc Harvard mất giấy phép SEVP đồng nghĩa với việc trường không được quyền tiếp nhận sinh viên quốc tế mới. Các sinh viên hiện tại buộc phải rời khỏi Mỹ hoặc mất tình trạng cư trú hợp pháp.
Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 6,8 nghìn sinh viên quốc tế tại Harvard - chiếm 27% tổng số sinh viên toàn trường, trong đó có những đơn vị đào tạo như Trường Harvard Kennedy (với 59% sinh viên là người nước ngoài), Trường Y tế Công cộng T.H. Chan (40%) hay Trường Kinh doanh Harvard (35%).
Ngay sau quyết định gây tranh cãi, Harvard đã đệ đơn kiện lên Tòa án Liên bang Boston, cáo buộc chính quyền Trump vi phạm Hiến pháp và các đạo luật liên bang. Trong đơn kiện, Harvard yêu cầu một lệnh khẩn cấp nhằm tạm thời đình chỉ chính sách của Bộ trưởng An ninh Nội địa Kristi Noem, bảo vệ quyền lợi cho sinh viên trong thời gian chờ tòa án phán quyết.
Tuy nhiên, lệnh tạm hoãn chỉ có hiệu lực trong vòng hai tuần - một khoảng thời gian quá ngắn ngủi so với nỗi bất an kéo dài của sinh viên. Quyết định này không chỉ là cú sốc với sinh viên, mà còn khiến giới học thuật và giảng viên Harvard phẫn nộ.
GS Kirsten Weld, Chủ tịch Chi hội Harvard của Hiệp hội Giáo sư Đại học Mỹ, cảnh báo: “Harvard nằm ở Mỹ, nhưng sinh viên và giảng viên đến từ khắp nơi trên thế giới. Đó là nền tảng cho sứ mệnh của trường. Nếu phá vỡ điều này, chúng ta sẽ phá hủy mô hình đại học như ta từng biết”.
Đáng chú ý, sinh viên quốc tế không chỉ mang lại đa dạng văn hóa và tri thức cho Harvard, mà còn đóng vai trò không nhỏ trong việc tài trợ hoạt động của trường. Không được nhận hỗ trợ tài chính liên bang, họ thường phải trả học phí cao gấp nhiều lần sinh viên bản địa. Việc cấm tuyển sinh quốc tế chẳng khác nào tự cắt đứt một trong những nguồn tài chính và chất lượng quan trọng bậc nhất của các đại học hàng đầu Mỹ.
Nhiều sinh viên quốc tế đã bắt đầu tìm kiếm các lựa chọn thay thế. Alfred Williamson, sinh viên năm nhất đến từ xứ Wales, tiết lộ anh đang cân nhắc chuyển sang Oxford hoặc Cambridge cùng bạn bè: “Chúng tôi cảm thấy như đang bị sử dụng làm quân cờ trong một ván đấu mà mình không kiểm soát được. Mọi người đều hoảng sợ và không ai biết phải làm gì”.
Không chỉ Harvard, mà cả hệ thống giáo dục đại học Mỹ đang đứng trước bài toán nan giải: Làm sao giữ được vị thế trung tâm học thuật toàn cầu khi những cánh cửa đang dần khép lại với chính những tài năng từ khắp năm châu? Chính sách cấm Harvard tuyển sinh quốc tế không đơn thuần là một quyết định hành chính, mà là một cú đánh vào lòng tin, vào niềm hy vọng và tương lai của hàng vạn con người đang góp phần làm nên bản sắc của giấc mơ Mỹ.
Zilin Ma, một nghiên cứu sinh Trung Quốc, đã dành 10 năm theo đuổi nền giáo dục Mỹ. Anh vừa hoàn thành nghiên cứu về đàm phán nhân đạo tại các nước đang phát triển. Nay, anh đứng trước nguy cơ không thể nhận bằng dù chỉ còn vài ngày trước lễ tốt nghiệp. Zilin nói: “Chính quyền ông Trump nghĩ rằng chúng tôi không phải tài sản quý giá đối với đất nước này. Tôi không biết phải nói gì. Thật đáng tiếc và thất vọng”.