Con vật nhỏ có thể tấn công, ăn thịt khủng long

20/07/2023, 04:01
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sinh vật có vú và con khủng long rơi vào “trận chiến sinh tử” trước khi cả 2 trở thành hóa thạch.

Con vật nhỏ có thể tấn công, ăn thịt khủng long - 1

Hóa thạch đặc biệt cho thấy cảnh một sinh vật có vú tấn công và ăn thịt khủng long (ảnh: AP)

Hóa thạch “bất thường” được phát hiện ở tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) cho thấy, cách đây khoảng 125 triệu năm, một sinh vật nhỏ đã biến khủng long thành “bữa tối” – điều này gây bất ngờ đối với giới khoa học, AP hôm 19/7 đưa tin.

Hóa thạch cho thấy một sinh vật có vú, giống con lửng, đang ăn thịt một con khủng long có mỏ. Hóa thạch đặc biệt được phát hiện ở tỉnh Liêu Ninh, nơi được mệnh danh là “Pompeii của Trung Quốc”. Liêu Ninh vốn nổi tiếng với các hóa thạch động vật bị chôn vùi trong các vụ phun trào núi lửa cách đây hàng chục triệu năm.

“Tôi chưa từng thấy một hóa thạch nào như thế này trước đây”, ông Jordan Mallon – nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng Tự nhiên Canada – nói về hóa thạch mới được phát hiện ở Liêu Ninh.

Hai sinh vật được tìm thấy trong hóa thạch là một con R. Robustus, có chiều dài khoảng 47cm, và một con P. Lujiatunensis, có chiều dài khoảng 1,2 mét. Trong kỷ Phấn Trắng – thời điểm khủng long thống trị Trái đất – R. Robustus là loài động vật có vú lớn nhất.

Con khủng long P. Lujiatunensis trong hóa thạch được xác định là một con non. Vào kỷ Phấn Trắng, một con P. Lujiatunensis trưởng thành có thể dài tới hơn 2 mét.

Phân tích hóa thạch “lạ” ở tỉnh Liêu Ninh giống như phân tích hiện trường vụ án, theo Reuters.

Hóa thạch cho thấy con R. Robustus nằm đè lên người khủng long P. Lujiatunensis. Chân trước con R. Robustus đè vào mỏ khủng long, trong khi cắn ngập răng vào cơ thể con P. Lujiatunensis.

Con vật nhỏ có thể tấn công, ăn thịt khủng long - 2

Con R. Robustus tấn công khủng long, trước khi bị dung nham chôn vùi (ảnh phục dựng: Reuters)

Trong khi cuộc chiến xảy ra, một vụ phun trào núi lửa đã chôn vùi cả 2 con vật. Tình huống này tạo ra một mẫu hóa thạch độc đáo, “đóng băng” hoạt động trước khi chết của 2 con vật, theo các nhà khảo cổ.

Reuters cho hay, rất hiếm khi các nhà khảo cổ phát hiện được hóa thạch cho thấy các sinh vật cổ đại tương tác với nhau.

Theo ông Mallon, hóa thạch ở Liêu Ninh là một trong những bằng chứng đầu tiên trên thế giới cho thấy một sinh vật có vú có thể tấn công và ăn thịt khủng long. Hóa thạch này bác bỏ các ý kiến trước đây cho rằng, ở kỷ Phấn Trắng, động vật có vú chỉ có thể ăn xác khủng long đã chết.

Năm 2005, các nhà khoa học phát hiện hóa thạch một động vật có vú đã chết. Trong bụng nó là một phần xác khủng long. Tuy nhiên, hóa thạch này chưa đủ thuyết phục để chứng minh động vật có vú có thể tấn công khủng long trong thời cổ đại.

“Khủng long vẫn là loài thống trị và ăn thịt động vật có vú nhiều hơn. Tuy nhiên, giờ đây chúng ta biết thêm rằng, một số loài động vật có vú đã có thể chống trả khủng long”, ông Mallon nói.

Bài liên quan
Từ hoá thạch sống đến thân thể người trên giấy dó
Bền bỉ sáng tạo trên giấy dó, Vương Thạo nêu bật căn tính dân tộc - để từ đó liên tục khám phá những điều mới mẻ đầy mộng tưởng nhưng cũng rất thật.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Con vật nhỏ có thể tấn công, ăn thịt khủng long