Sau khi đánh giá những thuận lợi, khó khăn và chỉ ra những vướng mắc trong triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: Tại Ngày Hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV, Ban tổ chức đã quyết định tổ chức Phiên đối thoại “Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái Khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên - Vai trò của Nhà trường, Doanh nghiệp, Quỹ đầu tư và Địa phương” để có thể sớm hoàn thiện cơ chế chính sách, thúc đẩy khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong đó đề cập đến vai trò trách nhiệm của từng chủ thể có liên quan như Nhà trường - Doanh nghiệp - Nhà nước (TW và địa phương).
Việc hoàn thiện cơ chế chính sách sẽ giúp các trường đại học có cơ chế thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp trong cơ sở đào tạo, từng bước vốn hóa nguồn tri thức và tạo ra các nguồn thu khác cho các trường đại học, đồng thời cung cấp cho xã hội những sản phẩm có giá trị góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của đất nước.
Tạo môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp
Sau hơn 2 giờ trao đổi, thảo luận, Phiên đối thoại “Chính sách thúc đẩy phát triển Hệ Sinh thái Khởi nghiệp cho HSSV - Vai trò của Nhà trường, Doanh nghiệp, Qũy đầu tư và Địa phương” đã tập trung làm rõ 2 chủ đề: Cơ sở pháp lý, thực tiễn đào tạo và kinh nghiệm tổ chức, phát triển hoạt động khởi nghiệp gắn với địa phương và Cơ sở pháp lý, chính sách phát triển Hệ sinh thái Khởi nghiệp gắn với nghiên cứu khoa học, sở hữu trí tuệ, thành lập quỹ/vườn ươm.
Từ đó, gợi mở một số giải pháp tháo gỡ khó khăn và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp toàn diện, bền vững. Cụ thể như: Có cơ chế linh hoạt giữa nghiên cứu khoa học và ứng dụng sang ý tưởng/dự án khởi nghiệp... Hoạt động khảo sát trên diện rộng đánh giá đúng thực trạng, nhu cầu về phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) ở từng cấp học, từng vùng miền để có giải pháp phù hợp.
Kết hợp với các tập đoàn lớn và các bộ/cơ quan/đơn vị đang cùng triển khai hoạt động khởi nghiệp tổ chức một hành trình truyền cảm hứng về khởi nghiệp, lập thân, lập nghiệp trong hệ thống nhà trường; cùng tổ chức Tuần lễ quốc gia về khởi nghiệp; tổ chức cuộc thi Hùng biện về khởi nghiệp/đại sứ khởi nghiệp/đưa tiết học về khởi nghiệp vào chương trình tự chọn của học sinh THCS, THPT...để tạo tiền đề.
Khuyến khích các địa phương và doanh nghiệp xây dựng các HUB trong các trường Đại học, một số trường THPT thí điểm: Hỗ trợ về chuyên gia, tìm người đồng hành, được ươm mầm từ ý tưởng đến sản phẩm ra thị trường, giúp gọi vốn, đào tạo phương thức vận hành/ quản lý một dự án/ doanh nghiệp.
Tăng cường tổ chức hoạt động khởi nghiệp quy mô cấp cụm trường theo khối ngành (Nông- lâm- ngư nghiệp; Kỹ thuật; Kinh tế- thương mại....). Đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trong trường đại học để tăng cường hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp của các cơ sở đào tạo.
Tăng cường đào tạo, kết nối, nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng cho các cán bộ, nhân sự phụ trách hoạt động khởi nghiệp ĐMST tại các trường, các cơ sở đào tạo. Thiết lập kho dữ liệu số về khởi nghiệp ĐMST để phục vụ cho các cá nhân, đơn vị khởi nghiệp ĐMST thuận lợi tra cứu, kết nối với các nguồn lực… Thiết lập hệ thống tập hợp các kênh thông tin hỗ trợ, truyền thông cho các cá nhân, đơn vị khởi nhiệp ĐMST; Có định hướng, phân luồng nội dung.
Quy tụ và chuyên môn hóa mạng lưới tương tác một cách tập trung, có tính tổ chức, chuyên môn hóa, tinh gọn giữa con người, tổ chức trong hệ sinh thái khởi nghiệp trực tuyến...