Chính sách thương mại của mạng xã hội Facebook không cho phép thực hiện quảng bá việc mua hoặc bán chất cấm, chất gây nghiện, những sản phẩm liên quan đến cần sa, thuốc phiện. Tuy nhiên, để lách luật, các bài đăng trên nhóm đưa hình ảnh quả, cây, hạt giống của cây thuốc phiện nhưng được gọi trên bài viết bằng những tên khác nhau như “hoa đinh lăng”, “cau rừng”… Chúng tôi thử tìm kiếm từ khóa “cau rừng” thì thấy ngay hình ảnh của quả anh túc. Những quả này đều được đặt những cái tên như “Cau rừng Yên Bái”, “Cau rừng Bắc”….
Luật sư Nguyễn Văn Nguyên (Cty Luật Hưng Nguyên Hà Nội) cho hay, điều 251 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định: Những người mua bán trái phép quả, cây có chứa chất ma túy, không kể số lượng tối thiểu là bao nhiêu sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Cụ thể, Khoản 1 điều này quy định mức án thấp nhất là 2-7 năm tù. Với số lượng lớn hơn, khung hình phạt sẽ nặng hơn. Những người tham gia vào quá trình mua bán quả, cây, giống thuốc phiện như người vận chuyển, nhà xe, người mua, người mua giống về trồng… cũng sẽ chịu trách nhiệm dân sự hoặc hình sự tùy theo mức độ vi phạm. |
Không chỉ là quả anh túc tươi, hạt giống anh túc cũng được bán tràn lan. Trên trang “Hạt giống anh túc - cần sa” có đến 8 nghìn người theo dõi, hạt giống anh túc, cần sa được bán rao bán rầm rộ. Theo trang facebook này, hạt giống anh túc được bán với giá 150 nghìn đồng/gói. Để khách hàng tin tưởng, người bán còn khẳng định hạt chuẩn, “bao nảy mầm”, có bảo hành.
Những sản phẩm liên quan đến quả, hoa anh túc cũng được bán sẵn. Trang “Vườn Anh Túc…” có hơn 4,5 nghìn lượt theo dõi, công khai đăng bán bình rượu ngâm quả anh túc với giá hơn 1 triệu đồng mỗi bình.