Không chỉ trong nước, ngay khi đại diện Việt không nhận được kết quả cao tại sân chơi quốc tế, một bộ phận không nhỏ khán giả liền ùa vào bình luận, đưa ra những câu từ không hay mang tính chỉ trích, đơn cử như ở chung kết Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế, sau khi Dịu Thảo dừng chân ở vị trí top 11, bên cạnh bình luận cho rằng ban tổ chức không công bằng, một số người sẵn sàng dùng từ công kích, miệt thị ngoại hình á hậu người Mỹ, cho rằng "Dịu Thảo mới là người xứng đáng", "đòi lại công bằng cho Dịu Thảo".
Dân tình cũng không hài lòng với kết quả tại Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế vừa qua.
Những đứa trẻ quấn khăn và nghĩ mình là anh hùng
Không thể phủ nhận, các bình luận trên đều đến từ những khán giả cực kỳ đam mê hoa hậu, họ quan tâm, theo dõi các thí sinh không chỉ từ một cuộc thi mà còn cả trong suốt hành trình dài làm việc. Thế nhưng, chính vì tình yêu với thần tượng mà đôi khi, họ quên rằng sau những suy nghĩ "đòi lại công bằng" đó, là các câu từ tấn công bạo lực một cô gái khác - những người chỉ vừa mười tám đôi mươi mà thậm chí có khi còn nhỏ hơn chính kẻ ngồi sau màn hình, gõ nên những lời bình luận chỉ trích. Hoa hậu Khánh Vân đã chia sẻ về những antifan thế này: “Mọi người chỉ muốn nói những điều mà người khác muốn nghe chứ không bao giờ nói sự thật. Bản thân mình lúc đó, cảm thấy yêu thương mọi người rất nhiều”.
Hoa hậu Khánh Vân từng khóc vì bị antifan công kích.
Đăng quang hoa hậu đôi khi chỉ đơn giản vì người đẹp ấy tròn trịa, phù hợp các tiêu chí của cuộc thi, không vì thế mà các cô gái á hậu, top 5, top 10 là không giỏi. "Phía sau một cuộc thi còn là cả một cuộc đời", antifan hả hê lúc này vì cảm giác những lời bình luận của mình có sức nặng, mình là "thế lực ngầm", mang đến "công bằng"... họ như những đứa trẻ ngày còn nhỏ xíu, quấn khăn lên cổ tưởng tượng mình đang có áo choàng siêu nhân mang năng lực giải cứu thế giới. Nhưng sau đó, liệu họ có biết rằng chính mình đang gián tiếp tấn công, bạo lực mạng một cô gái trẻ mà có thể cô ấy sẽ ám ảnh vì điều này mãi mãi.
Nhìn nhận tiêu cực từ phía khán giả quốc tế
Cái đẹp không hề có quy chuẩn và mọi sự so sánh đều là khập khiễng, thế nhưng sau những câu chữ bình luận công kích trên page quốc tế thì điều mà fan sắc đẹp nhận được nhiều nhất chính là cái nhìn không tốt từ chính bạn bè quốc tế. Trong thời đại mới, người đạt ngôi vị cao nhất tại cuộc thi sắc đẹp không chỉ đẹp về ngoại hình, còn có kiến thức, tâm hồn và một số tiêu chí chuyên biệt khác.
Hoa hậu Ý Nhi đang tạm vắng bóng khỏi showbiz Việt.
Bà Phạm Kim Dung - Phó trưởng Ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam 2022 chia sẻ: "Ở mỗi cuộc thi, kết quả thường không làm hài lòng hết mọi người. Điều quan trọng, ban tổ chức là những người đồng hành cùng thí sinh. Họ hiểu rõ thí sinh nhất và đưa ra kết quả tạm gọi là công bằng nhất có thể. Khán giả chỉ theo dõi cuộc thi sắc đẹp qua đêm bán kết, chung kết, một số cuộc thi có thêm vài tập ghi hình. Có một số yếu tố chỉ người trong cuộc mới biết ai thực sự là người phù hợp với chương trình họ tổ chức. Đôi lúc, không phải thí sinh 'sash mạnh, 'truyền thông tốt' là chiến thắng. Ban tổ chức ở cuộc thi trong nước và quốc tế không chọn bừa người chiến thắng vì chi phí, công sức mỗi chương trình sắc đẹp bỏ ra không nhỏ".
Cuộc thi hoa hậu không phải là tất cả, vương miện quan trọng nhưng không đánh giá ai là người tốt nhất mà chỉ đơn thuần là phù hợp nhất ở thời điểm ấy. Fan hâm mộ nên học cách yêu thần tượng đúng đắn cũng như học cách chấp nhận những thất bại để mọi thứ được văn minh, không tiêu cực.