Công nghệ in 3D bê tông của nghiên cứu sinh Việt nhận giải thưởng quốc tế

Nam Phong | 10/07/2023, 21:21
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Nghiên cứu về công nghệ in 3D bê tông của Nguyễn Văn Vương đã nhận được Giải thưởng nghiên cứu có ảnh hưởng dành cho Nghiên cứu sinh tiến sĩ.

Prize for Research Impact - Higher Degree by Research (Technology) tạm dịch là Giải thưởng nghiên cứu có ảnh hưởng dành cho Nghiên cứu sinh tiến sĩ trong lĩnh vực Công nghệ. Đây là một trong những giải thưởng cao quý, danh giá và lâu đời nhất của trường RMIT, nhằm tôn vinh nghiên cứu sinh có thành tích nghiên cứu khoa học nổi bật với tác động đáng kể bên ngoài cộng đồng học thuật.

Nguyễn Văn Vương (Đại học RMIT Australia) là nghiên cứu sinh Việt Nam đầu tiên nhận được giải thưởng trong hạng mục này vì tính cạnh tranh rất cao.

In bê tông 3D hỗ trợ phát triển công nghiệp xây dựng bền vững

Nghiên cứu của Nguyễn Văn Vương do Giáo sư Trần Phương (Đại học RMIT) và Giáo sư Nguyễn Xuân Hùng (Đại học HUTECH) hướng dẫn, cũng đã được giới thiệu trên các phương tiện truyền thông ở Australia cũng như trên toàn thế giới.

Theo Nguyễn Văn Vương, in bê tông 3D vẫn còn là một khái niệm mới ở Việt Nam, nhưng không bao giờ là quá sớm để các nhà khoa học và kỹ sư xây dựng bắt đầu khám phá về cách nó có thể hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp xây dựng một cách bền vững.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2020 có thống kê, Việt Nam thải ra khoảng 3,7 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, chỉ 10-15% trong số đó được thu gom để tái chế. Trong khi đó, tình trạng thiếu nguyên vật liệu để sản xuất bê tông đang là vấn đề phổ biến trên cả nước.

Bộ Xây dựng ước tính nguồn cung cấp vật liệu xây dựng tự nhiên hợp pháp chỉ đáp ứng được 40-50% nhu cầu của ngành xây dựng. Rác thải nhựa có nhiều ở Việt Nam. Nếu nó có thể được biến thành vật liệu xây dựng hữu ích theo cách sáng tạo bằng cách sử dụng công nghệ in 3D, điều đó sẽ mở ra những cánh cửa mới ngành xây dựng nước nhà.

nghien-cuu-sinh-tien-si-2-.jpg
Nguyễn Văn Vương nhận giải thưởng Nghiên cứu có ảnh hưởng dành cho Nghiên cứu sinh tiến sĩ trong lĩnh vực Công nghệ tại Đại học RMIT (Australia).

Trong quá trình làm nghiên cứu sinh tại Đại học RMIT (Melbourne, Australia) với đề tài nghiên cứu về mô phỏng quá trình in 3D bê tông của các kết cấu có hình học phức tạp lấy cảm hứng từ tự nhiên, Nguyễn Văn Vương đã tạo ra một chương trình tính toán ảo mới và toàn diện cho mô hình in 3D bê tông, giúp định hình tương lai của ngành chế tạo bê tông kỹ thuật số.

Trong thời gian làm tiến sĩ, Nguyễn Văn Vương đã công bố được hơn 10 bài báo với vai trò tác giả đầu, đăng trên các tạp chí khoa học hàng đầu thế giới (Q1).

“Trong những công trình nghiên cứu đó, chúng tôi đã chứng minh khả năng kết hợp công nghệ in 3D với nhựa tái chế có thể đưa ra giải pháp bền vững cho công trình. Ý tưởng nghiên cứu này đã thu hút sự quan tâm đáng kể từ báo chí tới các doanh nghiệp về công nghệ in 3D ở Australia bởi những ứng dụng tiềm năng khác nhau của nó.

Ngoài ra, dựa trên nghiên cứu của tôi và nhóm nghiên cứu, một bằng sáng chế đã được phát triển và nộp tại Mỹ về khả năng ứng dụng trong công nghiệp của nó vào năm 2021.

Với tính mới, đột phá của đề tài nghiên cứu tiến sĩ của mình, tôi đã rất may mắn nhận được một số giải thưởng về nghiên cứu khoa học, trong đó có giải thưởng dành cho bài báo xuất sắc nhất trong Hội nghị Cơ học Ứng dụng Quốc tế lần thứ 10 được tổ chứng tại Australia, do Hiệp Hội Kỹ thuật Australia tổ chức năm 2021” - Nguyễn Văn Vương, cho biết.

nghien-cuu-sinh-tien-si-3-.jpg
Nguyễn Văn Vương (bên trái) cùng Giáo sư Calum Drummond, Thừa hành Phó chủ tịch Hội đồng trường (phụ trách Nghiên cứu và Đổi mới), Phó giám đốc Đại học RMIT.

Nguyễn Văn Vương cũng chia sẻ thêm rằng: “Trong một nghiên cứu gần đây của tôi đăng trên tạp chí Tự động hoá trong Xây dựng, tôi đã đề xuất một phương pháp mới để cải thiện độ bền uốn và các vấn đề liên quan tới ăn mòn của kết cấu bê tông bằng cách gia cố chúng bằng hệ thống gia cường bằng nhựa in 3D.

Điều đặc biệt ở đây là hệ thống gia cường này được lấy cảm hứng từ cấu trúc của xương - một cấu trúc tế bào được tối ưu hoá một cách tự nhiên. Kỹ thuật chế tạo dầm này còn được gọi bằng một tên gọi khác là quá trình in 3D bê tông gián tiếp. Phương pháp gia cố này khá thiết thực, bền vững và có thể phát triển hơn nữa nhờ sự kết hợp giữa công nghệ in 3D và việc sử dụng nhựa tái chế”.

Kinh nghiệm đi theo con đường nghiên cứu khoa học

Từ kinh nghiệm từ bản thân, Nguyễn Văn Vương khẳng định, nghiên cứu khoa học cũng như tìm được học bổng là một công việc không hề dễ dàng, đặc biệt là với các bạn sinh viên chưa có nhiều kiến thức và kỹ năng.

Các bạn có thể gặp khó khăn trong mọi khâu của quá trình như việc lựa chọn được giáo sư hướng dẫn, đề tài nghiên cứu phải có tính mới và tính thực tiễn, phương pháp phân tích và xử lý vấn đề, cũng như cách viết văn phong khoa học.

Rất nhiều các bạn sinh viên ở Việt Nam đang rất khó khăn trong việc xin học bổng đi du học tiến sĩ ở nước ngoài. Vấn đề trở ngại lớn nhất là do các bạn không có những bài báo đăng tên các tạp chí uy tín để chứng minh được năng lực nghiên cứu của bản thân.

nghien-cuu-sinh-tien-si-1-.jpg
Nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học RMIT Australia Nguyễn Văn Vương.

“Lời khuyên của tôi là các bạn sinh viên trước hết nên trang bị cho mình kiến thức nền thật tốt, đặc biệt là tư duy nghiên cứu và giải quyết vấn đề, viết tiếng Anh.

Sau đó, các bạn cần mạnh dạn, chủ động tham gia vào các nhóm nghiên cứu cùng với các thầy cô, các anh chị nghiên cứu sinh để được học hỏi từ những kinh nghiệm quý báu của họ.

Thông thường, để có một công bố đạt chuẩn quốc tế, quá trình đăng bài thường rất tốn thời gian và đôi khi bài phải chỉnh sửa và nộp lại nhiều lần. Điều này rất dễ gây nản chí và khiến các bạn bỏ cuộc, tìm cho mình một con đường khác, hướng nghiên cứu khác có thể thấy được thành quả nhanh hơn.

Tuy nhiên, nếu đã chọn và xác định được động cơ đúng đắn để theo đuổi nghiên cứu thì yếu tố mà các bạn cần phải có đó là sự kiên trì để đạt được mục tiêu của mình” - Nguyễn Văn Vương nói.

Hiện nay, chương trình hợp tác nghiên cứu đào tạo tiến sĩ giữa Đại học RMIT (Australia) và các trường đại học ở Việt Nam dưới sự hướng dẫn chính của Giáo sư Trần Phương đã có được các bạn sinh viên ở Việt Nam tham gia, học tập và nghiên cứu ở bên Australia. Các đề tài nghiên cứu chủ yếu tập trung vào quá trình in 3D.

Gần đây, nhóm nghiên cứu đã kết nối được với các nhà nghiên cứu khoa học tại một số trường ở Việt Nam như Đại học Quốc gia Hà Nội và Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng để thành lập một mạng lưới nghiên cứu, trao đổi học thuật về vật liệu in 3D.

Mục tiêu của sự kết nối này là tạo ra sự hợp tác nghiên cứu liên ngành giữa các trường đại học và tổ chức đối tác khác nhau giữa Australia và Việt Nam; để hỗ trợ phát triển nghề nghiệp của các nhà nghiên cứu tại Việt Nam có cơ hội được đào tạo, trao đổi với các chuyên gia trên thế giới.

Hằng tháng sẽ có các buổi hội thảo trực tuyến về các chủ đề rất được quan tâm với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trên thế giới trong cùng lĩnh vực. Đây là một cơ hội tuyệt vời cho các bạn sinh viên Việt Nam đang muốn tìm thầy hướng dẫn cũng như tìm cơ hội xin học bổng nước ngoài.

Bài liên quan
Học bổng tiến sĩ từ New Zealand dành cho nghiên cứu sinh lĩnh vực nông nghiệp
(GDTĐ) - Vừa qua, Bộ các ngành Công nghiệp Cơ bản New Zealand (New Zealand Ministry of Primary Industries - MPI) tài trợ 2 chương trình học bổng bậc PhD và nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công nghệ in 3D bê tông của nghiên cứu sinh Việt nhận giải thưởng quốc tế