Có những thời điểm, các nhà tuyển dụng của ngành IT luôn phải cạnh tranh gay gắt để tuyển dụng nhân tài. Tăng trưởng nóng khiến cho mức lương của ngành tăng lên mức mất kiểm soát trong nhiều năm liền. Tuy nhiên, cơn bão sa thải toàn cầu “quét” qua các công ty công nghệ từ lớn đến nhỏ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành IT. Vào tháng 1/2023, hàng loạt công ty tiếng tăm trên thế giới như Alphabet - công ty mẹ của Google, Meta, Amazon… đã buộc phải cắt giảm khối lượng lớn nhân sự. Một số công ty công nghệ lớn ở châu Á như Kakao, Naver (Hàn Quốc) cũng không ngoại lệ.
Ngoài lý do bối cảnh nền kinh tế chung bị suy thoái sau đại dịch Covid-19, nhiều ý kiến cho rằng, sự phát triển bùng nổ của AI (trí tuệ nhân tạo) cũng là một trong những lý do trực tiếp ảnh hưởng đến ngành công nghệ thông tin, khiến sức hút của ngành giảm so với giai đoạn trước.
Đánh giá về điều này, anh Phạm Anh Phương (30 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) - lập trình viên xây dựng và phát triển phần mềm tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong cho biết: “Dưới góc nhìn của mình, tôi cho rằng ngành công nghệ thông tin đã và vẫn đang là ngành mang lại nhiều giá trị mới và thúc đẩy xã hội phát triển trong tương lai.
Trí tuệ nhân tạo hay còn gọi là AI đúng là vô cùng phát triển, đang dần trở nên phổ biến, được truyền thông nhắc đến rất nhiều. Tuy nhiên trên thực tế, AI là một ngành nhỏ trong ngành công nghệ thông tin và được tạo ra bởi chính con người. Chính vì vậy, sự phát triển của AI cũng đánh dấu sự phát triển chung của ngành IT”.
Theo lập trình viên trẻ tuổi này, thay vì lo lắng về vấn đề trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế cơ hội công việc hiện tại thì các bạn trẻ nên suy nghĩ về việc tối ưu hóa ứng dụng AI để tạo ra những cơ hội mới, ý tưởng mới, từ đó thúc đẩy xã hội và nền kinh tế phát triển.
Xét về cơ hội việc làm cho nhân sự công nghệ thông tin ở Việt Nam, Phương nhìn nhận rằng các công ty lớn vẫn có nhu cầu tuyển dụng nhưng không quá ồ ạt mà tập trung vào nhóm nhân sự có trình độ cao. Và với định hướng toàn cầu hóa, các lập trình viên nói riêng và nhân sự chung của ngành IT không chỉ cần giỏi về chuyên môn, cập nhật những công nghệ mới nhất, mà còn cần trau dồi vốn ngoại ngữ, có tinh thần ham học hỏi và tính chủ động trong công việc.
“Một nhân sự tốt thì ở bất kỳ thời đại nào vẫn sẽ luôn được các nhà tuyển dụng săn đón và không bao giờ bị đe dọa thay thế bởi công nghệ trí tuệ nhân tạo. Có thể ở giai đoạn ngắn hạn, lĩnh vực này đang gặp một vài khó khăn, tuy nhiên xét về tương lai và định hướng lâu dài, ngành công nghệ thông tin chắc chắn vẫn sẽ còn phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy nền văn hóa, kinh tế, xã hội”, anh Phương tự tin bày tỏ quan điểm.