Công nghệ và chuyển đổi số có ý nghĩa quyết định khi triển khai Chương trình mới

Hà An | 30/01/2023, 14:11
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Triển khai Chương trình GDPT 2018, Nam Định xác định yếu tố con người gắn với công nghệ và chuyển đổi số mang tính quyết định.

Công nghệ và chuyển đổi số là xu hướng tất yếu có tác động trực tiếp đến hoạt động dạy – học trong các nhà trường. Thay đổi thói quen người sử dụng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong mọi hoạt động của ngành giáo dục đã tạo sự đổi thay tích cực đến chất lượng dạy – học, đặc biệt trong bối cảnh triển khai Chương trình GDPT 2018.

Cần thay đổi từ mỗi người

Theo NGƯT Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định, cần phải tạo sự thay đổi từ chính con người, “Chuyển đổi số” không phải là số hóa tài liệu, số hóa các nội dung giáo dục mà cần ứng dụng công nghệ số để hoạt động dạy – học hiệu quả hơn. Chuyển đổi số là một quá trình lâu dài và có tác động trực tiếp đến tư duy, thói quen người sử dụng, bắt đầu từ việc ứng dụng những giải pháp về CNTT trong hoạt động dạy và học, trong các công tác quản trị và quản lý nhà nước về giáo dục.

Cần xác định rõ vai trò của chuyển đổi số trong việc nâng cao chất lượng quản lý, quản trị nhà trường, tổ chức các hoạt động dạy học và kiểm tra đánh giá đây là điều mà Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định đã đẩy mạnh triển khai quyết liệt và hiệu quả trong những năm học vừa qua. Chuyển đổi số được các cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục tích cực đẩy mạnh triển khai trong tất cả các hoạt động quản trị, điều hành và các hoạt động dạy, học như việc triển khai phần mềm quản lý nhà trường hỗ trợ công tác quản trị nhà trường tích hợp không gian làm việc số.

Cùng với đó là tạo môi trường làm việc và tương tác trực tuyến cho cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, nhân viên và hướng đến là người học; triển khai hệ thống quản lý văn bản điều hành điện tử liên thông trao đổi văn bản điện tử từ các cơ quan quản lý giáo dục và tất cả cơ sở giáo dục và đặc biệt là việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành kết nối dữ liệu từ các phần mềm quản lý nhà trường để giúp việc cho cơ quan quản lý giáo dục quản lý khai thác, sử dụng nguồn dữ liệu hiệu quả…

Công nghệ và chuyển đổi số có ý nghĩa quyết định khi triển khai Chương trình mới ảnh 1

Công nghệ và chuyển đổi số tạo nên những giờ học chất lượng.

Chuyển đổi số trong giáo dục thực sự ý nghĩa, khi 3 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid – 19, Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động, linh hoạt, sáng tạo tổ chức các hình thức dạy học trực tuyến với phương châm học sinh không đến trường nhưng không ngừng dạy – học.

"Chúng tôi cũng đã triển khai thành công và hiệu quả nhiều cuộc thi dưới hình thức trực tuyến như: cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh; Hội thi Hùng biện tiếng Anh cấp tỉnh, mời giám khảo các nước chấm thi trực tuyến" - NGƯT Cao Xuân Hùng nhấn mạnh.

Thấy gì từ thực tế

Có thể thấy, chuyển đổi số trong giáo dục Nam Định đã bước đầu tạo được những đổi thay hết sức tích cực. Gắn với việc triển khai hiệu quả hoạt động dạy học theo chương trình GDPT 2018, Nam Định đã phát động giáo viên tham gia các cuộc thi, tham gia xây dựng, đóng góp học liệu số (bài giảng điện tử, sản phẩm thiết bị dạy học số) vào kho học liệu số của đơn vị, của ngành để chia sẻ dùng chung. Đồng thời tổ chức hiệu quả các nhà trường tích cực tham gia các tiết “Dạy học kết nối xuyên biên giới” và mang lại những hiệu quả tích cực.

Ở Trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Trực Ninh, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Đằng cho biết: Với sự trợ giúp của phần mềm Viettell, trường tổ chức và quản lý lớp học trực tuyến, xây dựng học liệu, khai thác các nguồn học liệu, tìm kiếm thông tin trên internet; cán bộ giáo viên đã có các kỹ năng sử dụng các phần mềm trình chiếu, phần mềm soạn bài giảng e-learning, soạn câu hỏi trắc nghiệm trực tuyến, phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo, phần mềm dạy học, khai thác sử dụng các thiết bị công nghệ để đổi mới nội dung, phương pháp dạy học; các kỹ năng về quản lý, triển khai có hiệu quả các phần mềm quản trị trong nhà trường.

Công nghệ và chuyển đổi số có ý nghĩa quyết định khi triển khai Chương trình mới ảnh 2

Giáo viên và học sinh cùng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào hoạt động dạy - học.

Đổi mới phương thức quản trị và quản lý nhà nước về giáo dục là những cố gắng mà Phòng GD&ĐT Hải Hậu đẩy mạnh thực hiện. NGƯT Vũ Thế Hưng, Trưởng Phòng GD&ĐT cho biết: Bằng phần mềm ứng dụng của Viettell, chúng tôi đã cung cấp tài khoản cho cán bộ quản lý, giáo viên để thực hiện các module bồi dưỡng chương trình GDPT 2018 trên hệ thống LMS, đồng bộ với Hệ thống thông tin quản lý quá trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Temis của Bộ GD&ĐT. Các nhà trường cũng chủ động nhập cuộc để nâng cao hiệu quả quản lý và dạy - học.

Còn ở Trường THCS Hải Xuân, huyện Hải Hậu, thầy hiệu trưởng Phạm Văn Trang chia sẻ: Nhà trường đã triển khai các ứng dụng hồ sơ, sổ sách điện tử, các ứng dụng kết nối, tương tác, trao đổi thông tin giữa phụ huynh với nhà trường trên nền tảng số; thực hiện thu học phí và các khoản thu dịch vụ giáo dục theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Việc tham gia các cuộc họp, hội nghị trực tuyến của ngành tôi cho rằng rất ý nghĩa Việc tổ chức họp, hội nghị, hội thảo, dự giờ và tổ chức sinh hoạt chuyên môn, đặc biệt đối với hình thức tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực.

Nhấn mạnh ý nghĩa của việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục, Ông Đỗ Anh Tuấn, Trưởng Phòng Công tác Chính trị Sở GD&ĐT Nam Định, cho rằng: Việc triển khai đồng bộ các dịch vụ về CNTT sẽ tạo điều kiện thuận lợi và hiệu quả nhất trong việc quản lý, điều hành và quản trị các hoạt động cho các nhà trường. Các nhà trường đã triển khai sử dụng, cập nhật, báo cáo dữ liệu trên Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và của tỉnh theo quy định, sử dụng hiệu quả các ứng dụng CNTT như: cổng thông tin điện tử; hệ thống mail điện tử, quản lý tài chính, tài sản, thư viện, xếp thời khoá biểu.

Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định đã tham mưu với UBND tỉnh thực hiện chỉ đạo các đơn vị, địa phương ưu tiên nguồn lực đầu tư mua sắm thiết bị dạy học trực tuyến phục vụ công tác chuyên môn, lựa chọn những giải pháp CNTT chất lượng, đặc biệt đối với các phần mềm phục vụ công tác quản lý giáo dục và phần mềm dạy học trực tuyến. Thời gian qua, đặc biệt là thời điểm cả nước ứng phó với dịch Covid-19, ngành giáo dục tỉnh Nam Định không những duy trì ổn định hoạt động dạy - học chất lượng mà đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác triển khai các giải pháp ứng dụng CNTT gắn với triển khai Chương trình GDPT 2018. - NGƯT Cao Xuân Hùng.

Bài liên quan
Nam Định 'chốt' số môn thi vào lớp 10 THPT năm 2024
Năm học 2024-2025, học sinh tại tỉnh Nam Định sẽ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập hệ không chuyên với 3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công nghệ và chuyển đổi số có ý nghĩa quyết định khi triển khai Chương trình mới