Trò chuyện với chúng tôi, hầu hết những người mất việc đều nói họ không bất ngờ vì hiểu tình hình khó khăn của nơi làm. Vấn đề của họ hiện nay là sẽ tiếp tục mưu sinh như thế nào? Các công nhân bị mất việc ở những công ty bảo đảm được chế độ trợ cấp thất nghiệp cho biết việc đầu tiên họ làm khi nghỉ việc là gửi ngay khoản trợ cấp vào ngân hàng để thêm chút lãi và tránh bị "nát" tiền.
"Chắc chắn tôi sẽ gửi ngay ngân hàng khi tháng 6 được nhận khoản tiền trợ cấp, bởi nếu giữ chắc sẽ hết nhanh thôi", cô công nhân Nguyễn Thị Vui cho biết.
Vui nói thêm cô cũng đang phân vân tiếp tục xin việc làm lãnh lương hay trích ít tiền trợ cấp thất nghiệp để buôn bán nhỏ. "Tôi đã xin được việc bảo mẫu nhà trẻ nhưng lương chỉ 7 triệu đồng. Mình đã làm công nhân 24 năm và nhận lương 15 triệu đồng, giờ việc mới chưa được nửa lương cũ nên cũng đắn đo", Vui nói có lẽ sẽ khởi nghiệp nhỏ gì đó để thử khả năng mình sẵn lúc bị mất việc.
Nhưng cô cũng nói thêm là dù khởi nghiệp gì thì cũng chỉ dám trích một phần trong khoản trợ cấp thất nghiệp, phần còn lại phải để dự phòng thất bại.
Một số người khác thì cho biết sẽ về quê, lấy tiền trợ cấp để chăn nuôi và buôn bán nhỏ gần nhà. "Vợ chồng tôi tính kỹ chuyện về quê. Đầu tiên, mình tiết kiệm được tiền trọ, rồi con cái về trường quê cũng ít học phí hơn hẳn TP. Tiền ăn uống cũng giảm hẳn khi có gà qué, rau rác vườn nhà" - cô công nhân Trần Thị Thanh Trà, 31 tuổi, cho biết.
Hướng tính của cô thuận lợi là có người chồng vẫn đang làm ruộng ở quê huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Cô về thì anh vẫn làm ruộng, còn cô sẽ lấy tiền trợ cấp ra buôn bán ở chợ xã.
Trong lúc một số người tính chuyển nghề hoặc về quê lập nghiệp thì nhiều người cho biết họ vẫn trụ lại TP để tìm việc mới. Trong 25 người thất nghiệp mà chúng tôi thử khảo sát nhỏ thì hơn hai phần ba cho biết họ vẫn ở lại. Có người đã xin được việc làm ở công ty khác, có người nhảy ra làm tự do và có người vẫn đangtìm việc.
Hai anh em Lê Thanh Bình, Lê Thanh Hùng quê Bố Trạch, Quảng Bình, kể họ bị mất việc dập đinh, ốc ở cơ sở tại huyện Bình Chánh gần hai tháng qua nhưng tuần này đã xin được việc phụ hồ. Họ chấp nhận lương công nhật 350.000 đồng mỗi ngày, vì lương cơ sở dập đinh cũng chưa được 8 triệu đồng.
Việc họ sẽ ổn định trong ít nhất sáu tháng nữa vì căn nhà năm tầng họ đang xây rất rộng, chủ thầu cũng mới báo đã có hợp đồng mới ngay sau công trình này.
Có một công việc nữa mà hiện nay một số công nhân nữ bị thất nghiệp cũng muốn làm là "osin theo giờ". Công việc nghe có việc "ngại ngại" nhưng thu nhập khá ổn, thậm chí là khá nếu đã quen việc và có sức khỏe tốt để "chạy sô" nhiều nơi. Cô công nhân Thạch Thị Mỹ ở Khu công nghiệp Tân Tạo kể chỉ sau vài ngày thất nghiệp hồi cuối năm 2022, cô đã được giới thiệu làm việc nhà theo giờ và có thu nhập cao hơn hẳn làm công ty.
"Tôi mới 35 tuổi, từng là dân ruộng Trà Vinh quen cực khổ nên nhận việc vệ sinh nhà cửa. Tùy quy mô nhà, mỗi nhà tôi được khoảng 200.000 - 400.000 đồng. Mình có sức khỏe nên gắng làm nhanh để đi làm nhà khác, miễn sao sạch sẽ để chủ nhà ưng bụng", Mỹ kể thêm hiện nay cô "chạy sô" ít nhất hai nhà mỗi ngày, có ngày cô làm được cả bốn nhà, thu nhập hơn gấp đôi đi làm công nhân thời ít việc, không tăng ca...
"Tôi nghĩ mình có sức khỏe, thật sự muốn làm việc là sẽ có việc làm thôi, đừng lo lắng quá", Mỹ tự tin nói.
Theo Tổng cục Thống kê, số người thất nghiệp ở độ tuổi lao động quý 1-2023 khoảng 1,05 triệu người, giảm 34.600 so với quý trước và giảm 65.100 người so với cùng kỳ năm 2022. Tỉ lệ thất nghiệp ở độ tuổi lao động quý 1-2023 là 2,25%, giảm 0,07 điểm phần trăm so quý trước và giảm 0,21 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2022.
Thu nhập bình quân của người lao động mỗi tháng ở quý 1-2023 là 7 triệu đồng, tăng 197.000 đồng so với quý trước và tăng 640.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.