Việt Nam đang có nhu cầu lớn kỹ sư vi mạch. Ảnh: HCMUT |
PGS.TS Trần Mạnh Hà, Phó Trưởng Ban đào tạo, Phó Giám đốc phụ trách Khu Công nghệ phần mềm, ĐHQG TPHCM cho biết, hiện ĐHQG TPHCM đang xây dựng chương trình đào tạo kỹ sư tiên tiến ngành công nghệ vi mạch. Dự kiến đến năm 2027, các đơn vị thành viên sẽ đào tạo khoảng 1 nghìn kỹ sư công nghệ vi mạch.
Khung chương trình đào tạo gồm các khóa chuyên sâu, cấp tốc và hợp tác với doanh nghiệp. Kỹ sư tốt nghiệp các chương trình này có thể nhận chứng chỉ quốc tế để đi làm hoặc học lên bậc sau đại học. Đồng thời, ĐHQG TPHCM đề xuất các hỗ trợ cụ thể từ Chính phủ cũng như địa phương, liên kết với các tổ chức quốc tế để thu hút và mời gọi các chuyên gia quốc tế về giảng dạy.
PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TPHCM, cho biết chương trình đào tạo tiên tiến về thiết kế vi mạch ở đại học này sẽ gắn liền với thực tiễn của các doanh nghiệp, kinh nghiệm từ các quốc gia có thế mạnh và kết nối với định hướng chung từ Chính phủ. Theo ông Quân, công tác đào tạo và nghiên cứu vi mạch sẽ triển khai song hành. Các phòng thí nghiệm hiện đại được xây dựng không chỉ phục vụ cho các chuyên gia, sinh viên trong hệ thống ĐHQG TPHCM mà còn mở rộng khả năng phục vụ cho các nhà khoa học, sinh viên quan tâm đến vi mạch, bán dẫn ở khu vực phía Nam.
Song không phải trường đại học nào cũng có đủ tiềm năng đào tạo nguồn nhân lực ngành vi mạch. Số liệu mà các chuyên gia đưa ra cho thấy, trong số hơn 300 trường đại học, cao đẳng hiện nay, chỉ một số ít trường có chương trình đào tạo hoặc chuyển đổi từ những nhóm ngành nghề liên quan đến thiết kế vi mạch. Tuy nhiên, các chương trình đào tạo ngành vi mạch lại thiếu phòng thí nghiệm, thực hành. Nhiều trường không đủ năng lực đầu tư trang thiết bị, việc liên kết hợp tác với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này lại càng hiếm.
TS Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, để phát triển nguồn nhân lực ngành vi mạch, cần phải có chiến lược dài hạn kèm với chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho công nghệ vi mạch. Trước mắt, cần tập trung vào nhóm các đại học tiên phong như ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM, Đại học Bách khoa Hà Nội để đào tạo nhân sự ngành này.