Vào cuối năm 2021, khoản mục người mua trả tiền trước ghi nhận 247 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số tính đến cuối năm 2022 đã tăng mạnh lên 919 tỷ đồng và đến ngày 30/6/2023 đạt 1.716 tỷ đồng. Đây được xem là "của để dành" khi doanh nghiệp hoàn thành bàn giao cho khách hàng sẽ ngay lập tức chuyển đổi thành doanh thu.
Xin giãn nợ trái phiếu
Nợ trái phiếu là một trong những áp lực đè nặng lên hoạt động của BCG Land trong bối cảnh thị trường tài chính có nhiều biến động. Công ty hiện có một lô trái phiếu 2.500 tỷ đồng được phát hành vào cuối tháng 3/2021 với kỳ hạn 36 tháng (tức đáo hạn vào tháng 3/2024).
Hoạt động huy động vốn này nhằm mục đích hợp tác đầu tư và phát triển dự án bất động sản tại quận Bình Tân (TP.HCM). Khoản trái phiếu được đảm bảo bằng cổ phần thuộc sở hữu của bên thứ ba tại công ty sở hữu dự án trên, cũng như quyền sử dụng đất và toàn bộ nguồn thu phát sinh từ dự án.
Trái phiếu được trả lãi sau mỗi 3 tháng/lần. Bốn kỳ tính lãi đầu tiên chịu mức cố định 11%/năm, các kỳ trả lãi sau đó được tính bằng tổng của lãi suất tham chiếu (lãi suất tiền gửi 12 tháng tại TPBank) cộng biên độ 4%/năm nhưng trong mọi trường hợp không thấp hơn 11%/năm.
Tuy nhiên, tương tự như trường hợp khó khăn về dòng tiền của tập đoàn mẹ Bamboo Capital, BCG Land mới đây cũng thông báo đã hoàn tất việc xin ý kiến người sở hữu trái phiếu về việc điều chỉnh kỳ hạn của lô trái phiếu 2.500 tỷ đồng trên.
Theo đó, các nhà đầu tư đã chấp thuận phương án điều chỉnh kỳ hạn từ 36 tháng lên 60 tháng; đồng nghĩa với việc ngày đáo hạn của lô trái phiếu sẽ được giãn ra đến ngày 31/3/2026. Tất cả các nội dung còn lại của lô trái phiếu không thay đổi.
Công ty con của Bamboo Capital cũng có kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán lần đầu cho BCG Land, cấp mã chứng khoán BCR.
Thời gian nhận lưu ký chứng khoán từ ngày 23/8. Lãnh đạo BCG Land đặt kế hoạch sẽ đưa 460 triệu cổ phiếu BCR lên giao dịch trên sàn UPCoM trong quý cuối năm nay.