Bờm bợp là tên gọi người dân Đà Nẵng đặt cho sinh vật thân mềm có 2 mảnh vỏ màu đen, kích thước chừng ngón tay, sinh sống chủ yếu tại các vách đá, cọc tre vùng nước ngọt và lợ.
Anh Phan Thanh Trúc (44 tuổi, ngụ phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cho biết, do bờm bợp ít thịt nên chủ yếu được đánh bắt để làm thức ăn cho tôm hùm. Trước đây, chưa có người thu mua loại hải sản này nên không ai đánh bắt. Chỉ ít năm gần đây, thương lái tìm mua nhiều nên người dân có thêm nghề mới.
Dưới đáy sông Hàn sâu hơn 4 mét, anh Trúc cố gắng "đánh hơi" vị trí những con bờm bợp đang bám. Khi thấy "hàng", anh dùng dụng cụ chuyên dụng đục từng con, bỏ vào rổ.
Sau khoảng 20 phút, anh Trúc ngoi lên mặt nước, trên tay ôm theo "chiến lợi phẩm". Hơn 5 năm kinh nghiệm lặn, anh đã quá quen với việc đi bộ dưới nước trong thời gian lâu như vậy.
"Chuyến này 'hàng' thưa quá bà ơi, chắc không bao nhiêu", anh Trúc vừa nói vừa cố hết sức đẩy chiếc rổ chứa đầy bờm bợp lên cho vợ đứng trên bờ. Mẻ này, ước tính anh thu được khoảng 20kg.
Ông Ảnh cho biết, bờm bợp sau khi được rửa sạch, sẽ bán lại cho thương lái với giá 3.500 đồng/kg. Hôm nay, ông làm khoảng 6 tiếng đồng hồ và lặn được khoảng 1 - 2 tạ, thu nhập 400.000 - 500.000 đồng.
"Đi làm mùa này cực lắm, sáng giờ lặn nhiều quá nên giờ cả người cứ cứng đơ, tay chân, môi miệng ai cũng nứt nẻ rớm cả máu nhưng phải cắn răng chịu đựng, chứ không làm thì lấy gì nuôi vợ con", 2 hàm răng va vào nhau cầm cập, ông Ảnh run run chia sẻ.
"Mùa đông nên nước sông lạnh lắm, mỗi lần lặn thường dài 10 - 15 phút, khi rổ đầy mới ngoi lên. Lúc lên thì cóng hết cả người. May tôi có mặc bộ đồ nhái trên người, tuy nó đã cũ rách nhưng lặn xuống nước cũng đỡ lạnh hơn", anh Trúc trải lòng.
Công việc lặn thường kết thúc vào 12 giờ trưa. Cái nghề vạn lặn nhọc nhằn, cực khổ là vậy, nhưng những thợ "săn" bờm bợp vẫn tươi cười sau một ngày miệt mài dưới đáy sông. Cứ thế, ngày mai họ lại dầm mình dưới nước để tiếp tục mưu sinh...