Với quan điểm “GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”, trong các chính sách, chương trình, kế hoạch, Đảng bộ huyện Mường Tè luôn ưu tiên, quan tâm đến sự phát triển giáo dục. Nhờ đó, các chỉ số đầu tư giáo dục ngày một tăng như: Học sinh, cơ sở vật chất, phát triển nguồn nhân lực. Qua triển khai, mức độ hiểu biết, sự ủng hộ của cán bộ, đảng viên, nhân dân về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT hàng năm được cải thiện.
Ông Tống Thanh Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Tè, chia sẻ: “Những năm qua, công tác xây dựng Đảng trong trường học được Ban Thường vụ Huyện ủy quan tâm. Đến nay, 100% trường học có chi bộ độc lập, tỷ lệ nhà giáo là đảng viên đạt 68%. 100% chi bộ trường học lãnh đạo các nhà trường trong việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Công tác đánh giá chất lượng các chi bộ, đảng viên được cấp ủy chú trọng, đổi mới mang tính xây dựng”.
Ngành GD-ĐT huyện Mường Tè ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. |
Ông Phạm Văn Phôi, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sìn Hồ, tâm sự: “Chúng tôi chỉ đạo các trường làm tốt công tác bồi dưỡng thường xuyên, tự bồi dưỡng của cán bộ quản lý, giáo viên. Mục đích nhằm nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Các trường căn cứ vào điều kiện thực tế, xây dựng kế hoạch phù hợp, không ngừng nâng cao chất lượng theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện”.
Cũng theo ông Phôi, các cơ sở giáo dục đã tập trung đổi mới phương pháp dạy học, cách thức tổ chức hoạt động theo hướng nhẹ nhàng, tự nhiên, hiệu quả… nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.
Tại huyện Tân Uyên, ngành GD-ĐT tập trung chỉ đạo các trường đẩy mạnh đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục trên cơ sở vận dụng các phương pháp dạy học tích cực như: Học thông qua chơi theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm; ứng dụng phương pháp giáo dục STEAM; tăng cường tổ chức hoạt động giáo dục trải nghiệm, rèn kỹ năng sống. Qua đó, đã phát huy được tính chủ động, tích cực, sáng tạo của trẻ trong việc tham gia các hoạt động giáo dục.
Ông Vũ Trường Tới, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Uyên, cho biết: “Đến nay, 100% các đơn vị trường thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học từ đó góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ”.
“Nhìn chung, sau 10 năm triển khai đổi mới, ngành Giáo dục Than Uyên đã cơ bản được khắc phục lối dạy học thiên về truyền thụ kiến thức, áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Đa số học sinh đã chủ động, tự tin trong giao tiếp, chủ động lĩnh hội kiến thức, có kĩ năng tự học, kĩ năng tương tác với bạn bè, thầy cô” - ông Trịnh Ngọc Hải, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Than Uyên khẳng định.
“Tại huyện Than Uyên, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên trở thành nhân tố tích cực, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua của ngành. Đến nay, 100% trường học có chi bộ độc lập. Đến tháng 3/2023, tỷ lệ nhà giáo đảng viên đạt gần 58%…”, ông Trịnh Ngọc Hải, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Than Uyên cho biết.