Cùng con vào lớp 1, phụ huynh nên làm gì?

Ngô Chuyên | 10/06/2022, 16:40
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Con sắp vào lớp 1, nhiều phụ huynh có tâm lý cho học trước chương trình. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng không nên học trước, như vậy vào năm học con sẽ không hứng thú với bài giảng trên lớp.

Theo chia sẻ của nhiều giáo viên, việc cho con đi học tiền lớp 1 cũng là một giải pháp. Tuy nhiên, tiền lớp 1 không có nghĩa là cho học trước chương trình trong sách giáo khoa. Tiền lớp 1 là hướng dẫn giúp cho trẻ làm quen với cách cầm bút, tính tự lập, cách sử dụng sách giáo khoa, vở, biết tô hoặc viết các nét cơ bản. Như vậy, khi vào học chính thức sẽ giảm áp lực rất nhiều cho giáo viên, phụ huynh và chính học sinh.

Theo chia sẻ của cô giáo Trương Thị Sáu, giáo viên trường Tiểu học Phú Riềng A (xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước): “Hiện nay, nhiều phụ huynh đang hiểu sai việc học tiền lớp 1, dẫn đến cho con học trước kiến thức trong chương trình. Theo đó, khi vào học chính thức học sinh sẽ chán học, không hứng thú, mất tập trung và ỷ lại mà không nghe cô giáo giảng”.

Cô Hoàng Thị Thưu cùng lớp học ghép ở Trường Tiểu học Hương Liên, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Theo cô Sáu, chuẩn bị hành trang cho con vào lớp 1, thứ quan trọng nhất là tư tưởng, tâm lý. Ngay từ năm cuối mẫu giáo, phụ huynh nên phối hợp với cô giáo tập cho con một số thói quen, nề nếp như: chủ động về giờ giấc, sinh hoạt, các quy tắc trong giao tiếp. “Đặc biệt rèn cho con tính tự lập, như vậy sau khi vào lớp 1 con sẽ nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới”, cô Sáu nhấn mạnh.

Những tháng đầu tiên của năm học lớp 1, học sinh vẫn có tâm lý như học ở mầm non vừa học vừa chơi, do đó đòi hỏi giáo viên trong quá trình dạy áp dụng phương pháp “Học mà chơi, chơi mà học", truyền đạt kiến thức cho các em thông qua câu chuyện, hình ảnh, kinh nghiệm sống một cách nhẹ nhàng, sinh động và gần gũi, giúp các em không áp lực và không có tư tưởng "sợ học".

“Giai đoạn này, sự phối hợp của phụ huynh với giáo viên có vai trò hết sức quan trọng. Tuyệt đối không so sánh, chỉ động viên, khuyến khích, khen thưởng và nêu gương trong suốt quá trình giáo dục. Đưa ra yêu cầu phù hợp với khả năng của từng em, để các em cảm thấy tự tin trong học tập. Có như vậy trẻ sẽ vượt qua một cách rất thoải mái”, cô Sáu chia sẻ.

Với 26 năm dạy tiểu học, cô Hoàng Thị Thưu, giáo viên Trường Tiểu học Hương Liên (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) chia sẻ: “Trong mùa hè, phụ huynh nên tạo thói quen cho con dậy sớm, tự vệ sinh cá nhân..., như vậy khi vào năm học con đã có thói quen đó, không bị chậm giờ học. Đồng thời, phụ huynh có thể đưa con đi thăm quan trường học mới”.

Bản thân là cô giáo dạy ở trường miền núi, học sinh của cô đa phần là học sinh đồng bào dân tộc ít người, nhiều phụ huynh không chú ý đến việc rèn luyện các kỹ năng đầu cấp cho con, phó mặc hết cho giáo viên, nhà trường. Vì vậy trước khi vào năm học mới, giáo viên trực tiếp dạy phải đến nhà vận động, tư vấn, kiểm tra học sinh chuẩn bị đủ dụng cụ học tập, sách vở. Giới thiệu về trường, lớp, thầy cô mà các em chuẩn bị vào học. “Đặc biệt, chúng tôi hướng dẫn phụ huynh thức học sinh dậy sớm, vệ sinh cá nhân, ăn sáng đến lớp đúng giờ”, cô Thưu chia sẻ.

Theo nhiều giáo viên tiểu học, lớp 1 là lớp rất quan trọng, đặt những viên gạch đầu tiên trong quá trình học của con, do đó rất cần sự phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường để đồng hành cùng con vượt qua những khủng hoảng đầu cấp một cách nhẹ nhàng, tạo sự hứng thú cho con khi đến trường.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/cung-con-vao-lop-1-phu-huynh-nen-lam-gi-puE4oIjnR.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/cung-con-vao-lop-1-phu-huynh-nen-lam-gi-puE4oIjnR.html
Bài liên quan
Bạn đọc Báo GD&TĐ sẻ chia bé gái lớp 1 bị dị tật bẩm sinh hơn 38 triệu đồng
Sau khi đăng tải hoàn cảnh của cháu Hà Phương bị dị tật bẩm sinh, không có tiền chữa trị đã nhận được nhiều sẻ chia từ các nhà hảo tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cùng con vào lớp 1, phụ huynh nên làm gì?