Thầy Đình Thanh chụp cùng các học trò trường THPT Yên Hòa. Ảnh do Ngọc Anh cung cấp. |
Sinh ra và lớn lên ở quê hương Hưng Yên, được sự giúp đỡ của người thân, cả nhà Ngọc Anh đã làm “cuộc cách mạng” từ quê lên thành phố. Chia sẻ về lí do thực hiện tác phẩm, Ngọc Anh cho hay, như một cơ duyên, một sự may mắn của số phận đã cho cô gặp được hai thầy cô có trái tim nhân hậu, bao dung.
“Thầy cô đã tạo điều kiện giúp đỡ về mọi mặt, động viên, khích lệ đã làm thay đổi cuộc đời để tôi có được ngày hôm nay. Đó là cô Bùi Thị Hương, nguyên là Hiệu trưởng trường THCS Thượng Cát, hiện nay là Hiệu trưởng trường THCS Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội và thầy Doãn Đình Thanh, giáo viên Toán trường THPT Yên Hòa, Cầu Giấy Hà Nội. Và đây cũng chính là lí do mà tôi đã chọn để kể về hai thầy cô đáng kính nhất, ân nghĩa nhất của mình trong bài thi với lòng biết ơn vô hạn” – Ngọc Anh tâm sự.
Tác giả Doãn Ngọc Anh. Ảnh do Ngọc Anh cung cấp. |
Chia sẻ cảm nghĩ về Cuộc thi, Ngọc Anh cho biết, đây là một cuộc thi vô cùng ý nghĩa về truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta. Bởi trong mỗi sự trưởng thành của học trò, đều có sự dạy bảo và dìu dắt của người thầy. Và trong tâm trí cảm xúc của mỗi người đều có bóng hình một thầy cô mà mình yêu quý, kính trọng nhất. Bởi thế, Ngọc Anh cho rằng, cuộc thi này có sức hút mạnh mẽ và lan tỏa rộng rãi không chỉ đối với các thế hệ học sinh và còn nhiều tầng lớp khác trong xã hội đã tham gia.
“Năm nay lại là năm kỉ niệm tròn 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam nên Cuộc thi này càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Cuộc thi đã tôn vinh được vị thế và vai trò của người thầy trong đời sống mỗi con người và toàn xã hội. Đồng thời đây cũng là cơ hội để chúng ta được bày tỏ những tình cảm yêu kính nhất dành cho thầy cô, những người đưa đò thầm lặng trên dòng sông tri thức để làm thay đổi bao cuộc đời và số phận” - Ngọc Anh nói về sức ảnh hưởng của cuộc thi.