Cuốn học sinh vào thế giới tri thức

13/01/2024, 07:33
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cô giáo Hà thành lồng ghép các vấn đề thời sự để học sinh thêm hứng thú với bài giảng.

Không chỉ là kiến thức trong sách vở, cô Trương Thị Ngọc Hà - Trường THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội) còn khéo lồng ghép các vấn đề thời sự để học sinh thêm hứng thú với bài giảng.

Bén duyên với nghề giáo

Đam mê môn Địa lý và từng đoạt giải Nhất học sinh giỏi quốc gia khi học tại Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc, năm 2002 cô Trương Thị Ngọc Hà theo học lớp Cử nhân tài năng, Khoa Địa lý, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ra trường với tấm bằng loại giỏi, cô làm giáo viên Trường THPT Việt Úc và tham gia thỉnh giảng tại Trường THPT chuyên Sư phạm – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tới tháng 5/2010. Đây là khoảng thời gian để cô giáo trẻ có cơ hội được cọ xát, rèn nghề ở môi trường chuyên nghiệp.

Tháng 6/2010, cô Trương Thị Ngọc Hà chuyển công tác tới Trường THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội), hiện là Trưởng bộ môn Địa lý. Cô đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học Địa lý. Với cô, tất cả môn học ở trường phổ thông đều quan trọng. Giáo viên phải biết cách truyền cảm hứng học tập tới học trò thì hiệu quả giảng dạy mới đảm bảo, nhất là trong thời đại công nghệ số hiện nay.

Nữ giáo viên tâm sự, “học là vô tận”, việc trau dồi trình độ chuyên môn luôn là nhiệm vụ của giáo viên. Cô thường xuyên tham gia các hội/nhóm trên Facebook như: Những giáo viên Địa lý trẻ trung yêu nghề; Tin học sáng tạo; Dạy học tích cực; Nhóm đồng hành; Giáo viên chủ nhiệm 4.0. Cô Hà còn tích cực tham gia khóa học về phương pháp dạy học; kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học của nhiều chuyên gia.

Quá trình dạy học, cô Hà áp dụng nhiều phương pháp dạy học tích cực, trong đó có dạy học theo nhóm, lớp học đảo ngược. Cô cũng sử dụng phương pháp dạy học theo dự án – giúp học sinh sẽ tạo ra các sản phẩm đa dạng về bản đồ tư duy (Mindmap), infographic, dự án truyện tranh, sách lật, sản xuất phim, làm báo để tăng tính chủ động, sáng tạo. Cô sử dụng phương pháp trò chơi trực tiếp và trực tuyến ở hoạt động khởi động, luyện tập hoặc trong phần hình thành kiến thức mới.

Cô Hà còn dùng phương pháp đóng vai. Khi dạy bài 21 Địa lý các ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản trong SGK Địa lý 10, cô tổ chức cuộc thi “Hoa hậu nông trại”. Mỗi nhóm cử 1 đại diện đóng vai thí sinh dự thi là một số cây trồng (cà phê, cao su, chè…) hoặc vật nuôi (trâu, bò, lợn, dê, gà...) để tham gia các phần thi: Giới thiệu, Hoa hậu Tài năng, Hoa hậu mặc trang phục dân tộc đẹp nhất, Ứng xử. Qua đó các em nêu được vai trò, đặc điểm, phân bố của một số cây trồng, vật nuôi chính.

Ứng dụng STEM trong dạy học Địa lý cũng được cô Hà mạnh dạn áp dụng. Ở chủ đề sử dụng và bảo vệ tự nhiên (Bài 14, 15 Địa lý 12), cô yêu cầu học trò vận dụng kiến thức môn Sinh học và Địa lý xây dựng mô hình về sự suy giảm tài nguyên sinh vật và đa dạng sinh học, tài nguyên đất trong quá trình khai thác sử dụng của con người.

Cô còn áp dụng phương pháp nghiên cứu trường hợp điển hình (dùng câu chuyện có thật, chuyện được viết dựa trên những trường hợp thường xảy ra trong cuộc sống thực tiễn để minh chứng cho một vấn đề cụ thể). Ví dụ về thảm họa sinh thái vùng biển Aral khi dạy về Quy luật thống nhất hoàn chỉnh lớp vỏ địa lý, SGK Địa lý 10.

Cô Trương Thị Ngọc Hà và học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng. Ảnh: TG
Cô Trương Thị Ngọc Hà và học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng. Ảnh: TG

Đưa thời sự vào bài học

Phương pháp giải quyết vấn đề được cô Hà lồng ghép vào giảng dạy. Ví dụ khi dạy bài Khu vực Tây Nam Á, SGK Địa lý 11, cô cho học sinh khởi động bài học bằng các vấn đề thời sự khu vực này như: Tại sao có xung đột ở dải Gaza? Tại sao khu vực Trung Đông luôn là điểm nóng của thế giới? Qua đó, các em sẽ huy động vốn hiểu biết của mình để trả lời câu hỏi.

“Đổi mới phương pháp dạy học không có nghĩa loại bỏ các phương pháp truyền thống, đặc biệt là thuyết trình, vấn đáp. Giáo viên dùng phương pháp thuyết trình để chốt kiến thức, nội dung quan trọng của bài học nhưng không nên thuyết trình liên tục quá 20 phút. Thầy cô không chỉ sử dụng vấn đáp tái hiện mà có câu hỏi vấn đáp tìm tòi, giải thích, minh họa để kích thích óc sáng tạo của các em”, cô Ngọc Hà trao đổi.

Chia sẻ cảm nhận về cô giáo Địa lý, Nguyễn Hà Vân – học sinh lớp 11N1 Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) nói: Cô Hà là giáo viên tài năng, luôn kích thích tiềm năng về tư duy, nhận thức ẩn chứa trong học sinh. Mỗi buổi học với cô là chuyến phiêu lưu, cuộc khám phá về thế giới xung quanh. Cô luôn biết cách tạo nên không khí học tập tích cực, cuốn hút mọi học sinh vào thế giới tri thức và sự hiểu biết. Nhờ những trò chơi trí tuệ, phương pháp dạy học sáng tạo đã giúp chúng em liên kết kiến thức với thực tế, mỗi bài học trở nên gần gũi hơn.

Dưới góc độ quản lý, cô Nguyễn Thị Nhâm Huyền – Hiệu trưởng nhà trường nhận thấy, cô Trương Thị Ngọc Hà có chuyên môn vững vàng. Cô sẵn sàng lắng nghe, khích lệ học sinh để tạo môi trường học tập thân thiện. Cô không ngần ngại thử nghiệm phương pháp, công nghệ mới để bài giảng thêm hấp dẫn. Điều này giúp học sinh phát triển kỹ năng sáng tạo và sự linh hoạt trong tư duy.

Nhiều năm qua, cô Trương Thị Ngọc Hà đã cùng đồng nghiệp nỗ lực trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi môn Địa lý thi cấp thành phố và đoạt giải cao. Với cô, mỗi giờ lên lớp phải có sự đổi mới. Do đó, đổi mới phương pháp dạy học được cô Hà chú trọng trong từng tiết học. Học sinh được phát huy tối đa vai trò chủ động, sáng tạo để hình thành kiến thức, kỹ năng, năng lực vận dụng vào thực tiễn. Mỗi học sinh được quan tâm, ghi nhận kết quả, sự tiến bộ trong từng giờ học dù nhỏ nhất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuốn học sinh vào thế giới tri thức