Cựu sinh viên sư phạm sáng chế Enzyme làm nước thanh long

Mai Phong | 24/03/2022, 06:39
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trước thực trạng trái thanh long lâm vào cảnh “được mùa mất giá”, anh Lê Thiên Khiêm, cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã tìm ra quy trình sản xuất nước thanh long nguyên chất nhờ enzyme đặc biệt.

Bảo quản được đến 1 năm

Theo lý thuyết chung, phương pháp này rất đơn giản, chỉ cần đưa enzyme vào ủ với trái cây đã nghiền, sau đó mang đi lọc sẽ thu được nước quả. Tuy nhiên, mỗi loại quả lại có một đặc tính khác nhau, quả thanh long sẽ phù hợp với công thức phối trộn enzyme nào? Sau nhiều lần thử nghiệm, anh Khiêm đã tìm thấy câu trả lời: Bổ sung enzyme cellulase vàpolygalaturonaza theo tỉ lệ là 0,15% trên tổng thể tích thanh long đã nghiền, khuấy đều trong vòng 15 phút, sau đó đem ủ rồi lọc, tách lấy nước.

“Khi đưa hai loại enzyme này tác dụng với ruột thanh long đã được đánh tơi, chúng sẽ cắt đứt liên kết cellulase và pectin làm cho hai thành phần này tách rời nhau ra. Các pectin sẽ hòa tan trong nước còn các cellulase sẽ nổi lên trên. Enzyme chỉ có chức năng cắt liên kết, cho nên các thành phần dinh dưỡng trong trái thanh long không bị thay đổi”, anh cho biết.

Nhờ vậy, nước thanh long thu được theo phương pháp này không chỉ đạt hiệu suất rất cao (lượng nước tách ra chiếm khoảng 70% tổng thể tích, phần nước nằm dưới, phần bã và hạt nổi lên trên), mà còn giữ được hương vị tươi ngon tự nhiên.

Để kéo dài thời gian sử dụng và tạo điều kiện thuận lợi khi đưa sản phẩm ra thị trường, anh Khiêm còn áp dụng công nghệ tiệt trùng UHT giúp nước thanh long có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng trong vòng 1 năm. “Mừng nhất là khi mang tặng mọi người uống thử, tất cả đều phản hồi rất tích cực”, anh hào hứng kể lại.

Một giải pháp dù tốt đến đâu, cũng chỉ phát huy hiệu quả nếu dễ dàng triển khai trong thực tế và khả thi về mặt kinh tế. Phương pháp sản xuất nước thanh long bằng enzyme của anh Lê Thiên Khiêm đã hội tụ đủ các yếu tố này.

“Nguyên liệu enzyme rất phổ biến, dễ mua và không đắt, ước tính chi phí mua enzyme cho mỗi kg thanh long sẽ tốn khoảng 1 nghìn đồng, bù lại giá trị thu được cao hơn. 1kg thanh long bán được khoảng 10 nghìn đồng, nếu chuyển sang làm nước ép thì có thể bán được 20 hoặc 30 nghìn đồng.

Ngoài ra, quy trình này có thể tích hợp vào các hệ thống sản xuất nước trái cây đang có, chứ không cần nhiều máy móc trang thiết bị phức tạp. Có thể dễ dàng điều chỉnh công suất phù hợp với quy mô sản xuất, từ mức vài chục tấn đến vài trăm tấn mỗi ngày”, anh cho biết.

Sau khi hoàn thiện quy trình, anh Lê Thiên Khiêm đã đăng ký bảo hộ sáng chế phương pháp sản xuất nước thanh long nguyên chất bằng cách sử dụng enzyme và đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp bằng vào tháng 2/2022 nhờ tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp.

“Tôi muốn chuyển giao hoặc hợp tác với đơn vị nào đó để sản xuất nước thanh long. Nếu không có bằng sáng chế, chỉ nói chay thì không ai tin tưởng vào phương pháp của mình”, anh Khiêm chia sẻ.

Anh Khiêm mong muốn với sáng chế này, trái thanh long không phải nằm chờ giải cứu nữa mà sẽ tăng thêm giá trị. Sắp tới, anh sẽ cải tiến quy trình để tận dụng bã thanh long còn lại làm các sản phẩm khác như bột thanh long, mứt thanh long… Khi đó, anh tin rằng, giá trị của trái thanh long sẽ tăng cao hơn nữa, đem lại thu nhập cao cho người nông dân.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/cuu-sinh-vien-su-pham-sang-che-enzyme-lam-nuoc-thanh-long-aa9daUE7g.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/cuu-sinh-vien-su-pham-sang-che-enzyme-lam-nuoc-thanh-long-aa9daUE7g.html
Bài liên quan
Viettel là doanh nghiệp Công nghệ cao có nhiều bằng sáng chế được bảo hộ độc quyền của Mỹ
(GDTĐ) - Với 8 văn bằng bảo hộ độc quyền tại Mỹ, đến nay theo danh sách của Cơ quan Quản lý Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ , Viettel là doanh nghiệp Công nghệ cao của Việt Nam có nhiều bằng sáng chế được bảo hộ độc quyền của Mỹ nhất

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cựu sinh viên sư phạm sáng chế Enzyme làm nước thanh long