Đa dạng hình thức kiểm tra định kỳ: Khó ở vùng khó

29/02/2024, 06:33
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Triển khai đa dạng các hình thức kiểm tra định kỳ chưa đồng đều với lợi thế thuộc về các trường vùng thuận lợi...

Nếu trước đây, bài kiểm tra trên giấy là hình thức duy nhất học sinh làm để lấy điểm kiểm tra định kỳ thì hiện nay nhiều trường triển khai lấy đầu điểm này qua bài thực hành, dự án học tập. Tuy nhiên, triển khai đa dạng các hình thức kiểm tra định kỳ chưa đồng đều với lợi thế thuộc về các trường vùng thuận lợi.

Chuyển dịch đánh giá

Chia sẻ của thầy Phạm Văn Quang - Trưởng ban Toán, Trường THCS - THPT - The Dewey Schools Tây Hồ Tây (Hà Nội), nhà trường đã tổ chức học tập thông qua dự án để các em làm sản phẩm. Sản phẩm học tập đó được lấy vào kết quả kiểm tra giữa kỳ. Việc này chuyển dịch hoạt động kiểm tra đánh giá tại một thời điểm thành cả quá trình tư duy của học sinh, cũng như tạo sự hứng thú hơn là các bài kiểm tra truyền thống. Đánh giá qua dự án cũng là cách thức đo lường toàn diện hơn cả về kiến thức, tư duy, kỹ năng mềm… của người học.

Ví dụ ở môn Toán lớp 7, thay vì kiểm tra cuối chương Hình học không gian bằng một bài kiểm tra trên giấy như truyền thống, nhà trường đã thiết kế dự án “Xây dựng ngôi nhà mơ ước”. Học sinh chủ động lập kế hoạch tìm hiểu các đơn vị kiến thức, khái niệm và sử dụng công thức liên quan để thiết kế nên một ngôi nhà (mô hình).

Cuối cùng, các em thuyết trình và báo cáo kết quả trước ban giám khảo. Giáo viên căn cứ vào kết quả dự án, bài thuyết trình để đánh giá năng lực nhóm và cá nhân học sinh. Với hình thức học tập, đánh giá như vậy, thay vì bị động ghi nhớ công thức do giáo viên truyền thụ, các em được chủ động tìm hiểu kiến thức và áp dụng để đạt mục tiêu. Học sinh biết lập kế hoạch, quản lý thời gian, phối hợp nhóm để thực hiện dự án, qua đó phát triển kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình…

“Nhìn chung các trường đã tiến hành đổi mới kiểm tra đánh giá theo Thông tư của Bộ GD&ĐT. Theo đó, bài đánh giá giữa kỳ và cuối kỳ được thực hiện đa dạng các hình thức như bài kiểm tra trên giấy/máy tính, bài thực hành, dự án học tập… Tuy nhiên thực tế theo quan sát, các trường cũng áp dụng thay đổi này ở bài kiểm tra giữa kỳ nhiều hơn cuối kỳ. Do kỳ thi vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT hiện nay là bài thi trên giấy nên các trường thường tiến hành kiểm tra cuối học kỳ bằng bài đánh giá trên giấy để học sinh quen với cách thức làm bài thi”, thầy Phạm Văn Quang cho hay.

Nhận định của cô Đoàn Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Phenikaa (Hà Nội), triển khai kiểm tra định kỳ ở nhà trường đã tiếp cận và đa dạng về công cụ đánh giá: Bài kiểm tra (trên giấy hoặc máy tính); bài thực hành; dự án học tập theo cá nhân, nhóm; bài tự luận ngắn, dạng tự luận mở rộng, trắc nghiệm khách quan; sản phẩm thực hành…

Tuy vậy, mức độ đa dạng về hình thức có sự phân hóa giữa các môn học, khối lớp, mô hình học tập. Sự đa dạng này phụ thuộc vào định hướng giáo dục, cơ sở vật chất của các nhà trường, năng lực giáo viên, đặc điểm nhận thức, tâm sinh lý của học sinh.

“Trong đợt kiểm tra giữa học kỳ II, 100% tổ bộ môn thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá. Theo đó, các môn đánh giá qua dự án học tập, bài thực hành như Lịch sử - Địa lý, Khoa học tự nhiên… Môn thực hiện bài kiểm tra theo hướng tiếp cận đề minh họa Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 tập trung ở khối 10, 11 như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Toán,…”, cô Đoàn Thu Hà chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Bích Huy - Trường Tiểu học & THCS Ea Trol (Sông Hinh, Phú Yên) cho biết, chuẩn bị kiểm tra giữa kỳ II, nhà trường khuyến khích giáo viên bộ môn tổ chức nhiều hình thức kiểm tra, đánh giá sao cho linh hoạt và phù hợp học sinh, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả dạy học.

Một số thầy cô cho biết sẽ mạnh dạn tổ chức cho học sinh làm bài thực hành để lấy điểm giữa kỳ II. Ngoài những môn đã làm như: Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục thể chất, có thêm môn Ngữ văn, Vật lý, Sinh học, Hóa học cũng sẽ tổ chức cho học sinh làm bài thực hành để lấy điểm kiểm tra giữa kỳ.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Giáo viên phải đổi mới trước tiên

Vì đa số học sinh người dân tộc thiểu số, khả năng lĩnh hội kiến thức chưa tốt, cô Nguyễn Thị Bích Huy cho hay, triển khai đổi mới kiểm tra, đánh giá định kỳ tại Trường Tiểu học & THCS Ea Trol còn không ít khó khăn. Chẳng hạn như, học sinh chưa dành nhiều thời gian cho việc học, tự nghiên cứu; còn ỷ lại, chủ quan, thiếu chủ động trong tự học, rèn luyện.

Nhà trường rất mong áp dụng phong phú nhiều hình thức kiểm tra định kỳ (cả trên máy và giấy). Tuy nhiên đến nay, trường vẫn cho học sinh kiểm tra trên giấy, chưa thực hiện trên máy tính, vì cơ sở vật chất không bảo đảm.

Đưa giải pháp, cô Nguyễn Thị Bích Huy cho rằng, giáo viên cần nắm vững khả năng của học sinh để xây dựng ma trận, ra đề kiểm tra phù hợp. Tổ chuyên môn tăng cường sinh hoạt chuyên đề để giao lưu học tập, trao đổi kinh nghiệm, từ đó tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong đổi mới kiểm tra, đánh giá.

Nhà trường cần tổ chức tập huấn, tập trung bồi dưỡng giáo viên các phương pháp, kỹ thuật, hình thức đánh giá mới; từng bước thay đổi thói quen, hướng dẫn cách thức ra đề, kiểm tra mở, theo cách tiếp cận năng lực, tránh rập khuôn. “Để vận dụng được nhiều hình thức kiểm tra định kỳ, trường mong có một phòng với đủ số lượng máy tính cho các em thực hiện kiểm tra thuận lợi hơn”, cô Nguyễn Thị Bích Huy bày tỏ.

Từ thực tế triển khai tại Trường THCS - THPT Phenikaa, cô Đoàn Thu Hà cho biết, đổi mới kiểm tra định kỳ đòi hỏi giáo viên đầu tư nhiều thời gian, công sức và thầy cô cần được đào tạo về kỹ năng nghiệp vụ để xây dựng đề, tiêu chí đánh giá bảo đảm khoa học, chất lượng.

Khắc phục khó khăn này, cần đào tạo giáo viên về phương pháp, kỹ thuật, hình thức đánh giá mới, hướng dẫn cách thức ra đề, kiểm tra mở, theo cách tiếp cận năng lực. Nhà trường triển khai cụ thể, rõ ràng việc đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá đối với giáo viên, nhằm từng bước thay đổi thói quen cũ, trở thành yêu cầu, nhiệm vụ chuyên môn quan trọng. Cùng đó, xây dựng kho đề, ngân hàng đề để giáo viên trao đổi chuyên môn.

Theo thầy Phạm Văn Quang, kiểm tra, đánh giá theo phương pháp truyền thống đã quen thuộc với giáo viên; còn cách làm mới, buộc thầy cô phải là người đổi mới đầu tiên. Giáo viên cần có cách tổ chức học tập mới để có thể đổi mới kiểm tra đánh giá. Đổi mới kiểm tra, đánh giá không đơn thuần là đổi mới hình thức đánh giá, mà bản chất phải xây dựng được tiêu chuẩn năng lực môn học, từ đó thiết kế được phương pháp học tập sao cho học sinh đạt mục tiêu. Cuối cùng mới là cách thức, đo lường, đánh giá.

Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/7/2021 quy định về đánh giá học sinh THCS và THPT quy định đánh giá thường xuyên được thực hiện thông qua: Hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập. Đánh giá định kỳ (không thực hiện đối với cụm chuyên đề học tập), gồm đánh giá giữa kỳ và cuối kỳ, được thực hiện thông qua bài kiểm tra (trên giấy hoặc máy tính), bài thực hành, dự án học tập.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đa dạng hình thức kiểm tra định kỳ: Khó ở vùng khó