Thời gian qua ngành y tế - dân số đã có nhiều hoạt động phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo, tổ chức nhiều hoạt động truyền thông ý nghĩa. Riêng năm nay, cuộc thi “Rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức SKSS vị thành niên, thanh niên đã được tổ chức tại nhiều huyện như Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Yên Thành. Bên cạnh đó, các chiến dịch truyền thông về quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em gái cũng được tổ chức hướng đến các trường vùng cao, dân tộc thiểu số như tại huyện biên giới Kỳ Sơn, Quế Phong.
Đặc biệt, độ tuổi truyền thông không dừng lại ở cấp THPT, mà nhiều chương trình được tổ chức ở trường THCS. Ông Nguyễn Hữu Quang - Trưởng phòng Truyền thông – Dân số (Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Nghệ An) – cho biết, hiện nay học sinh dậy thì sớm hơn do được ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, các em tiếp xúc sớm với nhiều thông tin, các mối quan hệ cũng sớm phát triển, mở rộng khi tham gia các hoạt động giao lưu, trải nghiệm…
Chương trình môn khoa học tự nhiên trong đó có phần kiến thức về cơ thể người, biến đổi tâm sinh lý cũng đã được dạy học từ tuổi THCS. Vì thế, việc giáo dục giới tính cũng cần được triển khai sớm để kịp thời hỗ trợ, định hướng đúng đắn cho các em. Đặc biệt là trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, bảo vệ bản thân.
Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. |
Vừa qua, ngành dân số cũng phối hợp với huyện Quế Phong và các trường học trên địa bàn để thực hiện chương trình truyền thông hưởng ứng ngày quốc tế trẻ em gái. Chương trình với thông điệp “Trẻ em gái xứng đáng được yêu thương và bảo vệ” nhận được sự quan tâm của không chỉ thầy cô giáo, phụ huynh mà của chính các em học sinh.
Lương Thị Phương Trang (người dân tộc Khơ Mú) hiện đang học lớp 9 Trường Phổ thông DTNT THCS huyện Quế Phong. Nhà của Trang ở xã biên giới Tri Lễ, gia đình thuộc diện hộ nghèo, sau Trang còn 2 em nhỏ. Dù vất vả nhưng kể từ khi đi học, Trang luôn chuyên cần, là học sinh giỏi tiêu biểu của trường, đạt thành tích cao.
Nhờ nỗ lực học tập mà cô bé người Khơ Mú được chọn trúng tuyển vào trường nội trú, không còn lo lắng về chi phí học tập, cái ăn, cái mặc. Cô bé cũng tỏ ra “chững chạc” hơn so với bạn bè cũng trang lứa. “Em thấy con gái ở vùng cao còn nhiều thiệt thòi. Ngày xưa thì không được đi học, nhiều bà ở bản em không biết chữ hoặc quên gần hết vì chỉ đi học mấy năm thì bỏ. Bây giờ cũng chúng em được quan tâm hơn, nhưng vẫn có so sánh giữa con trai và con gái. Em mong muốn mình và các bạn nữ khác được đi học đầy đủ, được đối xử bình đẳng để có một tương lai tươi đẹp, hạnh phúc”, Phương Trang chia sẻ.
Việc giáo dục giới tính, tuyên truyền pháp luật giúp học sinh tự tin, có lối sống lành mạnh khi rời xa gia đình tự lập. |
Trường Phổ thông DTNT THCS Quế Phong có 100% học sinh dân tộc thiểu số đến từ 13 xã trên địa bàn huyện, trong đó thành phần dân tộc chủ yếu là người Thái, Khơ Mú, Mông… Dù là trường nội trú với điều kiện học tập tốt, được thầy cô quan tâm, chăm sóc nhưng hàng năm, trường vẫn có số ít học sinh bỏ học hoặc nguy cơ bỏ học để lấy chồng, lấy vợ.
“Hủ tục tảo hôn vẫn còn tồn tại trong nhiều bản làng của huyện giới này, và trực tiếp ảnh hưởng đến học sinh. Mặc dù không được luật pháp cho phép, nhiều gia đình vẫn làm đám cưới theo phong tục của bản làng cho các con. Và thông thường nếu học sinh nào lấy chồng lấy vợ, thì sẽ bỏ học, không tiếp tục tới trường nữa, đặc biệt là các bạn nữ”, cô Nguyễn Thị Kim Ngân – Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Trước thực tế này, nhà trường cũng thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan nhiều hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, giáo dục pháp luật. Qua đó ngăn chặn hôn nhân trẻ em, nâng cao hiểu biết nhận thức để học sinh tự tin, có ý kiến cá nhân của mình chống lại tập tục lạc hậu, không còn phù hợp. Đồng thời giúp các em yên tâm đến trường theo đuổi việc học và học tốt.