Là một trong những cơ sở giáo dục đại học áp dụng nhiều phương thức xét tuyển, Trường ĐH Văn Hiến thông báo sử dụng 5 phương thức, gồm: Sử dụng kết quả học bạ; Kỳ thi yốt nghiệp THPT; kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức; Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT và của trường; một số ngành phải kết hợp với thi năng khiếu như: Thanh nhạc, piano.
Tại Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2022 với chủ đề “Chọn phương thức nào khi xét tuyển đại học, cao đẳng?” do Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức: ThS Trần Mạnh Thái - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Truyền thông, Trường ĐH Văn Hiến - cho biết: Nếu thí sinh đã có kết quả của học kỳ I thì có thể tham gia xét tuyển học bạ vào các trường đại học sử dụng phương thức kết quả của lớp 10, 11 và học kỳ I lớp 12.
Việc tham gia sớm và sử dụng nhiều phương thức xét tuyển sẽ tạo ra nhiều cơ hội dựa trên các thời điểm. Ở mỗi thời điểm, khi có kết quả thí sinh cần sử dụng một cách linh hoạt. Tuy nhiên, các em cần tỉnh táo và xác định được hai điều kiện “cần” và “đủ”. Trong đó, điều kiện cần là phải tốt nghiệp THPT và điều kiện đủ là bảo đảm ngưỡng chất lượng đầu vào của các trường dựa trên phương thức xét tuyển.
Chia sẻ những lo lắng và bối rối của phụ huynh, thí sinh do có sự đa dạng cách thức xét tuyển đầu vào của các trường đại học, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội – nhắn nhủ: Các em cần suy nghĩ lạc quan về khả năng trúng tuyển đại học khá rộng mở; số lượng chỉ tiêu dự kiến của các trường đủ để đáp ứng với đại đa số học sinh THPT năm cuối có nguyện vọng học đại học.
Ngoài ra, việc lựa chọn đăng ký phương thức xét tuyển cần chú trọng những yếu tố sau: Nếu em có thành tích nổi trội, đạt các giải thưởng hoặc có năng lực chuyên biệt (học sinh giỏi trường chuyên/năng khiếu, có chứng chỉ quốc tế về ngoại ngữ hoặc học vấn như SAT, A-Level) thì có ưu thế nếu đăng ký xét tuyển qua hồ sơ thành tích/học lực.
Con đường vào các ngành “hot”, trường “top” dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ ngày càng chật hẹp do chỉ tiêu đối với phương thức này giảm sâu và việc tham dự thi kỳ thi đánh giá năng lực của hai Đại học Quốc gia hoặc kỳ thi đánh giá Tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tạo thêm cơ hội trúng tuyển cho thí sinh do có nhiều trường sử dụng kết quả các kỳ thi này để xét tuyển đại học.
Dù thống kê có khoảng 14 - 15 phương thức tuyển sinh, nhưng PGS.TS Nguyễn Phong Điền – nhìn nhận: Từ trước đến nay chỉ có 3 phương thức xét tuyển đại học cơ bản: Xét tuyển bằng hồ sơ học tập hoặc thành tích cá nhân (học bạ THPT, chứng chỉ quốc tế, các giải thưởng...); xét tuyển dựa trên kết quả của thí sinh tham dự (một lần) Kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc kỳ thi riêng khác và xét tuyển kết hợp các tiêu chí từ hai phương thức trên.
Việc đưa ra nhiều phương án giúp cho các trường đa dạng hóa nguồn tuyển, tạo cảm giác yên tâm đối với mục tiêu tuyển đủ chỉ tiêu cho từng chương trình đào tạo hoặc tuyển được sinh viên phù hợp cho chương trình đào tạo. Ví dụ, chương trình dạy - học bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, các trường có nghĩa vụ giải trình trước thí sinh và xã hội về sự tương đương giữa các phương án xét tuyển vào cùng một ngành/chương trình đào tạo để bảo đảm sự công bằng tương đối cho thí sinh.