Đại án Vạn Thịnh Phát: Xét hỏi Trương Mỹ Lan và Nguyễn Cao Trí

12/03/2024, 10:35
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bị cáo Trương Mỹ Lan bị truy tố về 3 tội 'Đưa hối lộ', 'Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng' và 'Tham ô tài sản'.

Ngày 11/3, phiên xử sơ thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo khác về những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan bước vào ngày làm việc thứ 5 với nhiều diễn biến mới.

Trương Mỹ Lan phủ nhận “thâu tóm” SCB

Bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị truy tố về 3 tội “Đưa hối lộ”, “Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng” và “Tham ô tài sản”.

Hội đồng xét xử (HĐXX) đã hỏi bị cáo Lan về cáo buộc thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân để hợp nhất thành Ngân hàng SCB, sau đó sử dụng SCB như một công ty tài chính để cấp vốn cho “hệ sinh thái” của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, mặc dù không giữ chức vụ trong Ngân hàng SCB, nhưng do luôn nắm giữ cổ phần chi phối (từ 85% đến 91,5% tổng số cổ phần SCB) nên trên thực tế, Trương Mỹ Lan là người có “quyền lực” cổ đông chi phối, chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB ngay từ khi hợp nhất 3 ngân hàng tư nhân đến khi khởi tố vụ án.

Tuy nhiên, trả lời HĐXX, bà Trương Mỹ Lan không thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố; xin HĐXX không dùng từ “thâu tóm”. Bà Lan khai mình chỉ nắm giữ 4,9% cổ phần SCB; hai con gái của bà, mỗi người nắm giữ 5%. Như vậy, tất cả thành viên trong gia đình bà Lan nắm giữ dưới 15% cổ phần SCB. Ngoài ra, bạn bè ở nước ngoài nắm giữ 30% và bạn bè ở Việt Nam 30%.

Bị cáo Trương Mỹ Lan khai bản thân không biết gì về nghiệp vụ ngân hàng. Vào năm 2012, trong quá trình hợp nhất 3 ngân hàng tiền thân trở thành SCB như hiện nay, bà Lan được một số người có trách nhiệm động viên, nhờ kêu gọi bạn bè tham gia nắm cổ đông để giữ trên 65% cổ phần mới có thể hợp nhất.

Bị cáo Trương Mỹ Lan khai hoàn toàn không điều hành Ngân hàng SCB, chỉ giúp ngân hàng này bằng cách kêu gọi đầu tư nước ngoài và cho ngân hàng mượn tài sản của mình để tái cơ cấu.

Bị cáo Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Capella tại tòa. Ảnh: SGGP
Bị cáo Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Capella tại tòa. Ảnh: SGGP

Nguyễn Cao Trí khai động cơ chiếm đoạt 1.000 tỷ

Cùng ngày 11/3, TAND TPHCM tiếp tục phiên xét xử với phần xét hỏi bị cáo Nguyễn Cao Trí (54 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Capella) để làm rõ hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” với bà Trương Mỹ Lan. Đối với hành vi phạm tội này của bị cáo Trí, bà Lan được xác định là bị hại.

Theo cáo trạng, Nguyễn Cao Trí đã thỏa thuận và nhiều lần nhận tổng số tiền 1.000 tỷ đồng của Trương Mỹ Lan cho 3 mục đích: Chuyển nhượng 31,22% vốn điều lệ Công ty Cổ phần cao su Công nghiệp do Nguyễn Cao Trí sở hữu (thông qua các cá nhân đứng tên hộ); Chuyển nhượng vốn điều lệ Công ty cổ phần Sài Gòn Đại Ninh; Đầu tư dự án tại huyện Hải Hà, Quảng Ninh.

Khi biết Trương Mỹ Lan bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vào ngày 7/10/2022, ngày 12 và 22/10/2022, Nguyễn Cao Trí đã chỉ đạo cấp dưới soạn thảo các văn bản thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư 31,22% vốn điều lệ Công ty cao su Công nghiệp; điều chỉnh giá và thanh lý hợp đồng chuyển nhượng 10% vốn điều lệ tại Công ty Văn Lang.

Ông Trí còn hẹn gặp và yêu cầu người đứng tên sở hữu cổ phần giúp cho Trương Mỹ Lan ký hồ sơ thanh lý hợp đồng đã được soạn trước. Sau đó, Nguyễn Cao Trí đưa cho các cá nhân đứng tên hộ ký hợp thức hóa, hoàn thiện thủ tục thanh lý, ghi lùi ngày trong các văn bản. Những việc này nhằm chiếm đoạt số tiền 1.000 tỷ đồng của Trương Mỹ Lan.

Trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Cao Trí thừa nhận hành vi phạm tội như trong cáo trạng nhưng trình bày về nguyên nhân, động cơ phạm tội đặt trong bối cảnh bà Trương Mỹ Lan bị bắt.

Cụ thể, bị cáo Nguyễn Cao Trí cho biết, khi nghe tin bị cáo Trương Mỹ Lan bị bắt, ông Trí cảm thấy bối rối vì trước đó ông và bà Lan đã có các hợp đồng. Nếu xảy ra sự cố, rủi ro có thể tăng gấp đôi.

“Khi giao dịch với bị cáo, chị Lan lại để cho môi giới trung gian đứng tên trên hợp đồng, giao tiền cho bị cáo. Trong bối cảnh đó, bị cáo có cân nhắc nên công khai mối quan hệ trực tiếp với chị Lan hay công khai như trên chứng từ. Trong lúc đó, truyền thông loan tin dữ dội về hệ thống của bị cáo quan hệ với chị Lan”, bị cáo Trí khai.

Bị cáo Trí cho biết, bằng một nỗ lực muốn tách bạch khỏi hệ thống của bà Trương Mỹ Lan nên đã thanh lý một số hợp đồng. Bị cáo Nguyễn Cao Trí trình bày, theo suy nghĩ chủ quan, hành động đó không làm thay đổi bản chất của sự việc là đã nhận tiền của bị cáo Lan. Trước khi bị khởi tố, bị cáo đã nhiều lần đề nghị muốn trả lại tiền cho hệ thống của Trương Mỹ Lan nhưng bất thành.

Bị cáo Nguyễn Cao Trí cũng trình bày trước tòa, sau khi bị khởi tố, bản thân đã tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, vận động gia đình nộp lại số tiền đã nhận của bà Lan. Hiện tại, đã khắc phục tiền mặt là khoảng 700 tỷ đồng, phong tỏa tài sản khoảng 300 tỷ đồng.

Đồng thời, bị cáo Trí mong muốn được tiếp tục khắc phục hậu quả vụ án bằng tiền mặt. Tại tòa, với tư cách người bị hại, bị cáo Trương Mỹ Lan bày tỏ mong muốn HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho Nguyễn Cao Trí.

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, từ tháng 1/2012 – 12/2017, bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của SCB, còn dư nợ hơn 132.247 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi; gây thiệt hại cho SCB hơn 64.621 tỷ đồng. Từ tháng 2/2018 – 10/2022, Trương Mỹ Lan chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của SCB hơn 304.096 tỷ đồng; gây thiệt hại hơn 129.372 tỷ đồng. Như vậy, trong khoảng 10 năm (2012 - 2022), bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB tổng số tiền hơn 498.000 tỷ đồng.

Bài liên quan
Bà Trương Mỹ Lan kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm
Bà Trương Mỹ Lan cho rằng mình không chiếm đoạt tiền của Ngân hàng SCB.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đại án Vạn Thịnh Phát: Xét hỏi Trương Mỹ Lan và Nguyễn Cao Trí