“Quy định này phù hợp đáp ứng với nhu cầu du lịch dài ngày của khách du lịch nước ngoài, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nghiên cứu để tìm hiểu, xúc tiến đầu tư. Dự thảo Luật cũng đề cập việc nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày đến 45 ngày”, đại biểu Phương nói.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Phương cũng đưa ra đề nghị nâng thời gian tạm trú lên 60 ngày: “Đây là thời gian phù hợp đối với khách du lịch có nhu cầu nghỉ dưỡng đủ dài, đồng thời phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp du lịch của Việt Nam và quốc tế. Vì vậy, nên xem xét thời gian tạm trú lên 60 ngày để chính sách Việt Nam tương đồng với các nước như Thái Lan hay Singapore”, đại biểu Phương nêu quan điểm.
Trong khi đó, đại biểu Lê Nhật Thành (Hà Nội) cho rằng, việc sửa đổi bổ sung dự án Luật này sẽ góp phần làm đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh cho công dân việt nam và khách quốc tế xuất, nhập và quá cảnh.
“Qua nghiên cứu cho thấy, do thời hạn thị thực điện tử ngắn nên ngành Du lịch Việt Nam chưa thu hút được người nước ngoài có nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày. Do vậy, việc nâng thời hạn thị thực lên 3 tháng và có giá trị 1 lần lên nhiều lần sẽ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế từ các thị trường xa”, đại biểu Thành cho biết.