'Đại dịch bạo lực' phủ bóng trường học thế giới

Tú Anh | 09/12/2022, 13:37
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, ước tính mỗi năm, 246 triệu trẻ em bị bạo lực trong và xung quanh trường học.

Trong đó, việc trừng phạt thân thể vẫn còn tính hợp pháp ở hơn 60 quốc gia.

Bà Susannah Hares, chuyên gia giáo dục toàn cầu tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Toàn cầu, Anh, cho biết: “Trẻ em đang đối mặt với “đại dịch bạo lực”.

Tuy nhiên, vấn đề trên chưa được làm rõ trong các báo cáo, hội nghị giáo dục và điều này cần phải thay đổi. Những nỗ lực giúp trẻ học hành sẽ không còn giá trị nếu các em không được an toàn ở trường”.

Các nghiên cứu chỉ ra trải nghiệm bị bạo lực thể chất và tâm lý khi còn nhỏ gây ra hậu quả đối với sức khỏe thể chất, tinh thần cũng như kết quả giáo dục. Ngân hàng Thế giới ước tính toàn cầu sẽ mất 11 nghìn tỷ USD trong tương lai do bạo lực trong và xung quanh trường học.

Tuy nhiên, dữ liệu về vấn đề trên còn chắp vá. Các trường hợp học sinh bị bạo lực, nhất là lạm dụng tình dục, thường không được báo cáo đầy đủ do nạn nhân sợ bị trả thù hoặc bị xã hội kỳ thị. Dù vậy, các khảo sát toàn cầu vẫn cho thấy một bức tranh ảm đạm.

Theo nghiên cứu của nền tảng truyền thông Devex, một trong những bạo lực trẻ em thường gặp trong trường học là trừng phạt thân thể. Cách phạt học sinh này vẫn phổ biến và ảnh hưởng đến 50% dân số trong độ tuổi đi học trên thế giới, ngay cả tại những quốc gia cấm trừng phạt thân thể trong trường học.

Đơn cử, tại Uganda, 90% học sinh tiểu học ở một số tỉnh, thành từng bị giáo viên bạo hành thể xác. Một cuộc điều tra trên phương tiện truyền thông tiết lộ hơn 30 nữ sinh bị lạm dụng tình dục ở một trường phổ thông tại Liberia. Trong đại dịch Covid-19, nhiều học sinh chia sẻ thích ở nhà hơn vì giáo viên không thể đánh các em.

Theo bà Hares, những con số trên nói lên rằng, nhiều trường học và hệ thống trường học đang thất bại trong nhiệm vụ cốt lõi là giữ cho trẻ em được an toàn. Ngoài ra, các bên liên quan đã quá chậm chạp trong việc ưu tiên và khắc phục vấn đề trên.

Theo ông Dipak Naker, đồng sáng lập tổ chức ngăn chặn bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ ở Uganda, Raising Voices, những ý tưởng cố chấp về kỷ luật và bạo lực trong trường học khiến việc giải quyết vấn đề trên bị đình trệ.

Trên thực tế, giáo dục trẻ bằng bạo lực đã trở thành truyền thống ở nhiều quốc gia nên nỗ lực can thiệp bị coi là “ý tưởng xa lạ”. Do đó, việc xây dựng trường học an toàn đòi hỏi quá trình hỗ trợ phức tạp và cần có thời gian.

Còn theo bà Haldis Holst, Phó Tổng Thư ký Tổ chức Giáo dục Quốc tế, tổ chức đại diện cho các hiệp hội giáo viên trên thế giới, trừng phạt thân thể có thể là một hậu quả của việc thiếu đào tạo giáo viên.

“Nếu giáo viên không có kiến thức về cách giải quyết các tình huống khó khăn bằng công cụ khác, việc trừng phạt thân thể vẫn sẽ xảy ra. Điều này đặt ra nhu cầu đào tạo giáo viên chuyên nghiệp. Giáo viên phải là một phần của giải pháp”, bà Holst bày tỏ.

Theo Devex

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Đại dịch bạo lực' phủ bóng trường học thế giới