Thêm hai thành viên HĐQT Novaland xin từ chức
Ông Huy làm đơn từ nhiệm để thông báo việc không giữ chức vụ Thành viên HĐQT “để tập trung chuyên môn liên quan đến việc triển khai xây dựng, quản lý xây dựng và triển khai dự kiến của Công ty cũng như các công việc liên quan khác”. Bà Châu thì ghi rõ lý do việc từ nhiệm là “nhằm tập trung quản lý tại NovaGroup, theo định hướng tái cấu trúc toàn diện của Tập đoàn”.
Trước khi nộp đơn từ nhiệm, ông Huy và bà Châu vừa thực hiện bán ra cổ phiếu NVL, tổng cộng là gần 17 triệu cổ phiếu trong giai đoạn 10/2 đến 14/2/2023. Trong đó, từ 10/2 đến 14/2, nguyên Chủ tịch HĐQT Novaland Bùi Xuân Huy đã bán thành công toàn bộ 14,796 triệu cổ phiếu NVL đã đăng ký, qua đó hạ tỷ lệ sở hữu xuống còn 57,8 triệu cổ phần, tương đương 2,964% vốn điều lệ công ty.
Ông Bùi Xuân Huy và bà Hoàng Thu Châu cùng xin từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT NVL
Giao dịch được thực hiện bằng phương pháp thỏa thuận, tính theo giá trung bình ước tính ông Huy đã thu về hơn 197 tỷ đồng cho số cổ phiếu nói trên. Trước ông Huy, vào ngày 10/2, bà Hoàng Thu Châu cũng đã bán thành công 2,3 triệu cổ phiếu NVL đã đăng ký, qua đó hạ sở hữu xuống còn 4,06 triệu cổ phần, tương đương 0,21% vốn điều lệ của công ty.
Tính theo giá thị trường kết phiên giao dịch ngày 22/2, khối tài sản trên sàn chứng khoán ông Bùi Xuân Huy đang trực tiếp nắm giữ có giá trị hơn 693 tỷ đồng. Trong khi đó, khối tài sản bà Hoàng Thu Châu đang trực tiếp nắm giữ giảm còn 48,7 tỷ đồng.
Doanh nghiệp tỷ phú Trần Đình Long đưa ra kế hoạch lợi nhuận năm 2023
CTCP Tập đoàn Hoà Phát vừa công bố nghị quyết của HĐQT thông qua các nội dung trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Đại hội dự kiến diễn ra vào ngày 30/3/2023.
Theo đó, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 với kế hoạch doanh thu dự kiến đạt 150.000 tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2022 và kế hoạch lợi nhuận sau thuế đạt 8.000 tỷ đồng, giảm 5% so với thực hiện năm 2022 là hơn 8.400 tỷ đồng.
Năm 2023, ngành thép được đánh giá vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Theo KBSV, từ đầu năm đến nay, giá bán thép tăng 6% nhưng không giúp Hòa Phát cải thiện biên lãi gộp, thậm chí còn khiến biên lãi gộp suy giảm. Nguyên nhân là do giá nguyên vật liệu đầu vào (quặng sắt, than cốc, thép phế) tăng cao hơn, trung bình 14%.
Sản lượng tiêu thụ thép trên thị trường cũng sẽ bị giới hạn khi các nhà thầu tại thị trường nước ngoài thận trọng trong việc nhập khẩu, làm chậm tốc độ phục hồi của thị trường thép.
Dù vậy, ban lãnh đạo Hòa Phát vẫn tỏ ra tương đối lạc quan khi nhận định giai đoạn tồi tệ nhất đã đi qua.
Doanh nghiệp của nữ đại gia Việt thu lãi hơn 2,2 tỷ đồng mỗi ngày
Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) do nữ đại gia Chu Thị Bình giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị vừa công bố báo cáo tài chính quý 4 và kết quả kinh doanh năm 2022 với nhiều ấn tượng.
Cụ thể, trong quý 4/2022, dù doanh thu của MPC sụt giảm gần một nửa so với cùng kỳ còn hơn 2.550 tỷ đồng khi xuất khẩu gặp khó khăn.
PNJ ghi nhận mức lãi hơn 10 tỷ đồng mỗi ngày trong tháng 1/2023
Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán giảm mạnh hơn đã giúp lợi nhuận gộp của doanh nghiệp cải thiện lên 575 tỷ đồng.
Trong quý cuối năm 2022, hoạt động tài chính mang về cho doanh nghiệp hơn 150 tỷ đồng, tăng 9 lần so với cùng kỳ, song chi phí tài chính và bán hàng cũng tăng lên đáng kể. Chỉ có chi phí quản lý doanh nghiệp của Minh Phú ghi nhận mức giảm hơn 62% quý này, xuống mức 42 tỷ đồng.
Kết quả kể trên giúp lợi nhuận trước và sau thuế quý IV/2022 của doanh nghiệp được mệnh danh là "vua tôm" tăng gần ba lần so với cùng kỳ năm liền trước, đạt lần lượt 305 tỷ đồng trước thuế và gần 260 tỷ đồng sau thuế.
Lũy kế cả năm 2022, tập đoàn thủy sản này ghi nhận doanh thu đạt 16.425 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2021. Mức doanh thu này dần tiệm cận giai đoạn trước dịch. Tổng lại, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt gần 840 tỷ đồng, tăng hơn 27% so với cùng kỳ 2021. Tính bình quân trong năm 2022, nhà sản xuất thủy sản này ghi nhận hơn 2,2 tỷ đồng tiền lãi ròng mỗi ngày. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2015.
Doanh thu lập kỷ lục, đại gia vàng thu lãi hơn 10 tỷ đồng mỗi ngày
Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) của nữ đại gia Cao Thị Ngọc Dung vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 1/2023 ghi nhận doanh thu thuần cao kỷ lục đạt 4.129 tỷ đồng, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu đến từ doanh số tăng mạnh trong dịp vía Thần Tài năm nay (nằm trong tháng 1) và PNJ tiếp tục lập kỷ lục về số lượng sản phẩm bán được trong dịp này.
PNJ cho biết thêm tổng chi phí hoạt động trong tháng 1 đã tăng 21% so với cùng kỳ, tỷ lệ chi phí hoạt động/lợi nhuận gộp tăng từ 45,5% lên 47,5% do tính chu kỳ của các chi phí dịp Tết và nền giá cao hơn do lạm phát.
Tuy vậy, nhờ doanh thu tăng mạnh, nhà bán lẻ vàng trang sức lớn nhất TP HCM vẫn ghi nhận mức lãi kỷ lục.
Cụ thể, sau khi trừ hết các khoản chi phí, PNJ ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 302 tỷ đồng, tăng gần 12% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử của công ty vàng bạc này.
Tính bình quân trong tháng 1, mỗi ngày doanh nghiệp của nữ đại gia vàng Cao Thị Ngọc Dung thu lãi hơn 10 tỷ đồng. Tính tới cuối tháng 1, hệ thống bán lẻ của PNJ có tổng cộng 365 cửa hàng tại 55 tỉnh thành.
Đại gia 48 tuổi bỏ túi hơn 230 tỷ đồng trong ngày thị trường quay đầu giảm
Kết phiên giao dịch ngày 21/2, VN-Index giảm 4,46 điểm (-0,41%) xuống 1.082 điểm trong khi đó, HNX-Index giảm 4,96 điểm xuống 214 điểm. Trái ngược với đà giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam, khối tài sản của đại gia Đỗ Anh Tuấn - Chủ tịch CTCP Phát triển Sunshine Homes vẫn ghi nhận mức tăng hơn 230 tỷ đồng nhờ đà tăng của các mã cổ phiếu đang nắm giữ. Với mức tăng này, ông Tuấn là một trong những người tăng tài sản mạnh nhất trong phiên giao dịch vừa qua.
Thị trường chứng khoán Việt Nam có phiên giảm nhẹ ngày 21/2
Cụ thể, trong phiên giao dịch 21/2, KLB của Ngân hàng TMCP Kiên Long ghi nhận mức tăng 200đ/cổ phiếu, SSH của CTCP Phát triển Sunshine Homes ghi nhận tăng mạnh 1.700đ/cổ phiếu tương đương mức tăng 2,8% so với phiên liền trước. Trong khi đó, KSF kết phiên với mức giá tham chiếu và chỉ có SCG của CTCP Tập đoàn xây dựng SCG giảm nhẹ 400đ/cổ phiếu.
Theo đó, trong phiên giao dịch ngày 21/3, khối tài sản của ông Tuấn ghi nhận mức tăng gần 236 tỷ đồng. Tính theo giá thị trường, khối tài sản đại gia người Thanh Hóa đang trực tiếp nắm giữ có giá trị hơn 24.833 tỷ đồng. Với khối tài sản này, ông Nguyễn Anh Tuấn vững vàng ở vị trí thứ 3 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng và tỷ phú Trần Đình Long.