GS.TS Trần Đức Viên viện dẫn, Luật số 34 quy định, trường đại học, học viện (gọi chung là trường đại học) là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này. Còn đại học là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này; các đơn vị cấu thành đại học cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung.
Theo khái niệm trên, trường đại học là cơ sở đào tạo nhiều ngành nhưng không đào tạo nhiều lĩnh vực. Còn đại học là một cơ sở đào tạo trên nhiều lĩnh vực. Trong mỗi lĩnh vực có thể có nhiều ngành. Đại học là tổ chức giáo dục có các trường đại học thành viên. Còn trường đại học có thể là một cơ sở giảng dạy đại học độc lập hoặc là thành viên của một đại học vùng, chuyên cung cấp các chương trình đào tạo bậc đại học.
Để các đại học đa lĩnh vực thực sự trở thành những “quả đấm thép” của giáo dục đại học Việt Nam, nhằm đón nhận những sứ mệnh cao hơn trước đà phát triển của đất nước, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, về mặt thể chế, Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi để phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của mình.
Điều này có nghĩa, đại học là cấp cao hơn, trong đại học sẽ bao hàm các trường đại học. Thực tế, Việt Nam hiện có 2 đại học Quốc gia là: Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. 3 đại học vùng gồm: Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng.
TS Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, tất cả đại học đa lĩnh vực phải được tổ chức như một chỉnh thể thống nhất, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo, với một hệ thống quản trị 3 cấp là: Đại học, trường và khoa. Tức là theo mô hình các University của Hoa Kỳ. Thực tế, đại học đa lĩnh vực là mô hình phổ biến trên thế giới, đặc biệt tại Anh quốc, các quốc gia Bắc Mỹ (Hoa Kỳ, Canada), Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc...), Đông Nam Á (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia…).
Theo TS Lê Viết Khuyến, nét nổi trội của các đại học đa lĩnh vực là bao quát được nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau nên cho phép huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống để giải quyết nhiệm vụ to lớn về đào tạo và nghiên cứu khoa học mà một trường đại học chuyên ngành không thể đảm đương nổi. Đồng thời tạo cơ hội cho từng giảng viên đi sâu vào chuyên môn của mình, cho phép người học được lựa chọn người thầy giỏi nhất.
Mô hình đại học cũng cho phép nhà trường mở ra các chương trình liên ngành một cách nhanh nhất. Chính vì vậy, đại học đa lĩnh vực thường được nhiều nước trên thế giới ưu tiên lựa chọn. Tại nhiều nước, đặc biệt ở các nước đang phát triển, có khuynh hướng chuyển đổi trường đại học chuyên ngành thành các đại học đa lĩnh vực.
“Trong chiến tranh, chúng ta đã từng thành lập các quân đoàn (bao gồm nhiều sư đoàn, lữ đoàn trực thuộc) để đánh hợp đồng binh chủng. Trong kinh tế chúng ta đã có các tập đoàn quốc gia (bao gồm nhiều công ty, tổng công ty thuộc các ngành nghề khác nhau). Vì vậy, trong giáo dục đại học cần có các đại học đa lĩnh vực đích thực”, TS Lê Viết Khuyến nhìn nhận.