Ngày 12/11, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) đã chính thức công bố cấu trúc mới của bài thi đánh giá năng lực (ĐGNL) sẽ áp dụng từ năm 2025.
GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết, bài thi sẽ có những điều chỉnh quan trọng để phù hợp hơn với chương trình giáo dục phổ thông 2018 và xu hướng thi cử quốc tế.
Từ năm 2025, bài thi ĐGNL ĐHQG-HCM sẽ tiếp tục duy trì cấu trúc các phần thi "Sử dụng ngôn ngữ" và "Toán học", đồng thời tăng số lượng câu hỏi trong hai phần này nhằm tăng độ tin cậy và khả năng phân biệt mức độ năng lực của thí sinh.
Phần thi Logic - Phân tích số liệu và Giải quyết vấn đề sẽ được cấu trúc thành phần Tư duy khoa học. Phần thi này đánh giá khả năng suy luận và phân tích khoa học của thí sinh trong các tình huống thực tế thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế và xã hội. Các câu hỏi trong phần Tư duy khoa học được xây dựng theo hướng cung cấp thông tin, số liệu, dữ kiện, hoạch định thí nghiệm và kết quả thực nghiệm, qua đó yêu cầu thí sinh thể hiện khả năng hiểu và vận dụng thông tin, xác định kết quả thực nghiệm, dự đoán quy luật.
Đề thi ĐGNL từ năm 2025 vẫn giữ nguyên 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài là 150 phút và được thực hiện trên giấy. Kết quả thi được tính theo phương pháp trắc nghiệm hiện đại, sử dụng lý thuyết ứng đáp câu hỏi, với điểm của từng câu hỏi có trọng số khác nhau tùy theo độ khó.
Điểm thi được quy đổi theo từng phần, với số điểm tối đa của bài thi là 1.200 điểm. Cụ thể, điểm tối đa của từng phần thi như sau: Tiếng Việt 300 điểm, Tiếng Anh 300 điểm, Toán học 300 điểmvà Tư duy khoa học 300 điểm.
Theo GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, cấu trúc và nội dung đề thi ĐGNL của ĐHQG-HCM năm 2025 có nhiều nét tương đồng với các đề thi chuẩn hóa quốc tế như Scholastic Assessment Test (SAT) của Hoa Kỳ, Psychometric Entrance Test (PET) của Israel và General Aptitude Test (GAT) của Thái Lan.
Mục tiêu của đề thi này là đánh giá đúng năng lực tổng quát của học sinh, giúp các trường đại học, cao đẳng tuyển được thí sinh phù hợp; đồng thời đảm bảo tính công bằng, tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học cho tất cả thí sinh, ngay cả khi các em chọn những môn học khác nhau ở bậc THPT. Cách tiếp cận với đề thi này còn phù hợp với định hướng tuyển sinh theo phương thức kết hợp của các đơn vị thành viên ĐHQG-HCM.
Theo GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, để đạt kết quả tốt, thí sinh cần phân chia thời gian hợp lý cho từng phần thi và kiểm soát tốt thời gian làm bài. Thí sinh cần rèn luyện kỹ năng đọc hiểu, đọc lướt nhanh nhưng nắm được ý chính và hiểu được nội dung của đoạn văn bản, câu hỏi; xem xét tất cả phương án trả lời và chọn đáp án phù hợp nhất với câu hỏi. Với các câu hỏi dễ, thí sinh cần hoàn thành nhanh để dành thời gian cho các câu hỏi khó hơn. Tuy nhiên, nếu gặp một câu hỏi quá khó, thí sinh nên chuyển sang làm câu hỏi khác để tránh mất nhiều thời gian; sau khi làm xong các câu dễ, nếu còn thời gian thì quay lại câu hỏi đó.
Bên cạnh đó, thí sinh cũng cần hoàn thành nhanh chóng các câu hỏi đơn để dành thời gian đọc, tư duy, suy luận logic cho các nhóm câu hỏi trong bài đọc. Nếu chưa tìm thấy đáp án ngay, thí sinh có thể tìm các từ khóa, dữ kiện liên quan trong bài đọc, xem lại các phương án trả lời, so sánh điểm khác nhau giữa các phương án và loại trừ các đáp án sai nhiều nhất có thể. Cách này sẽ giúp thí sinh chọn được đáp án cảm thấy đúng nhất.
Thí sinh cần dành thời gian rà soát, kiểm tra lại các phương án đã trả lời để tránh trường hợp tô nhầm ô hoặc bỏ trống trên phiếu trả lời trắc nghiệm.