Giáo dục

Đại học Y Hà Nội đề xuất mở rộng đào tạo bác sĩ nội trú

TH 27/02/2024 06:50

(GDTĐ) - Đề xuất mở rộng đào tạo bác sĩ nội trú theo hướng đào tạo đại trà và được trả lương của Đại học Y Hà Nội nhận được nhiều đồng thuận từ chuyên gia.

Tại lễ kỷ niệm 50 năm đào tạo Bác sĩ nội trú sáng ngày 26/2, GS. Đoàn Quốc Hưng, Phó hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội nêu ý kiến, thay vì coi là bác sĩ nội trú mô hình đào tạo tinh hoa, Đại học Y Hà Nội đề xuất chuyển sang đào tạo đại trà, trả lương cho họ trong quá trình học.

tuyen-sinh-dai-hoc.jpg
GS. Đoàn Quốc Hưng, Phó hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội

Theo GS. Hưng, bác sĩ nội trú là chương trình đào tạo đặc thù của ngành Y. Đây được coi là đào tạo tinh hoa, dành cho những sinh viên xuất sắc theo học ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Mô hình này xuất phát từ Pháp, sau đó sang các nước châu Âu, Mỹ và khắp thế giới.

Tại Việt Nam, Đại học Y Hà Nội tuyển sinh khóa bác sĩ nội trú đầu tiên vào năm 1974. Từ đó đến nay, trường đã và đang đào tạo gần 5.200 bác sĩ, với nhiều thay đổi trong từng giai đoạn, theo hướng tiệm cận với xu thế thế giới.

Về chuẩn đầu vào, trước năm 2015, điều kiện để thi chuyên ngành bác sĩ nội trú là điểm thi tốt nghiệp từ 7 trở lên, nhưng sau đó, thí sinh chỉ cần tốt nghiệp và không bị kỷ luật là được dự thi.

Với thay đổi trên, tỷ lệ sinh viên học bác sĩ nội trú đã tăng từ 10-15% trong giai đoạn 1974-2014 lên thành trên 65% ở giai đoạn 2015-2023.

Thí sinh thay vì phải đăng ký chuyên ngành trước rồi mới thi và không đạt sẽ bị loại ngay, bây giờ được chọn chuyên ngành sau khi có kết quả, theo nguyên tắc người đạt điểm cao hơn được ưu tiên lựa chọn chuyên ngành. Do đó, những chuyên ngành vốn rất ít sinh viên lựa chọn trước đây cũng đã có bác sĩ nội trú như Lão khoa, Ký sinh trùng,...

Cũng theo GS. Hưng, các bác sĩ nội trú đã tham gia làm việc ở diện rộng hơn. "Trước đây, 90% bác sĩ nội trú ở lại trường hoặc các bệnh viện tuyến trung ương thì giờ đây, tỷ lệ bác sĩ nội trú ở các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố và các bệnh viện ngoài công lập tăng lên 35%", ông Hưng nói.

Nhận thấy số bác sĩ nội trú tăng lên, khi trở về công tác ở tuyến tỉnh sẽ góp phần thay đổi chất lượng khám chữa bệnh theo hướng tích cực, người dân được hưởng lợi, giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến trung ương, Đại học Y Hà Nội đề xuất mở rộng đào tạo hệ này.

GS. Hưng nhấn mạnh: "Cần thiết mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh lên mức 90% sinh viên tốt nghiệp được đào tạo bác sĩ nội trú và muốn tiếp tục hành nghề khám chữa bệnh bắt buộc phải học nội trú".

Theo GS. Hưng, việc này cũng phù hợp với xu thế trên thế giới, hiện đa số quốc gia quy định bác sĩ muốn hành nghề phải học thực hành nội trú sau khi xong chương trình đại học. Bác sĩ nội trú, vốn là đào tạo tinh hoa, cần chuyển thành mô hình đào tạo đại trà.

Đề xuất của trường Đại học Y Hà Nội nhận được sự tán đồng của nhiều chuyên gia, như PGS.TS Nguyễn Văn Hinh, nguyên Hiệu trưởng hay PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.

Ngoài ra, GS. Hưng cũng đề xuất bác sĩ nội trú cần được cấp chứng chỉ hành nghề tạm thời, vì trong thời gian đào tạo, họ đã hành nghề như nhân viên y tế tại bệnh viện thực hành, nên cần được trả lương, thù lao để yên tâm học tập.

Chương trình đào tạo bác sĩ nội trú hiện tại không có học bổng, không được trả lương và những bác sĩ nội trú này vẫn phải trả học phí.

Ngoài ra, ông Hưng cũng đề xuất mở rộng đào tạo bác sĩ nội trú theo địa chỉ (Sở Y tế và bệnh viện ngoài công lập), đồng thời đổi mới toàn diện chương trình, phương pháp dạy và học, lượng giá trong đào tạo bác sĩ nội trú.

Để có hành lang pháp lý đối với đào tạo loại hình nay, đại diện Y Hà Nội mong muốn việc đào tạo này cần được luật hóa.

Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận bằng bác sĩ nội trú như bằng sau đại học. Còn Bộ Y tế quy định đào tạo bác sĩ nội trú là thiết yếu trong chuyên khoa sâu, hoàn thành các khung chính sách liên quan đến hỗ trợ học phí, cấp chứng chỉ hành nghề...

Tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đề nghị Đại học Y Hà Nội phối hợp với các trường đào tạo ngành Y khác tổng kết sâu sắc việc đào tạo bác sĩ nội trú thời gian qua để tham mưu cho Bộ theo hướng hội nhập quốc tế, nhưng vẫn đáp ứng các yêu cầu của nguồn nhân lực y tế Việt Nam; đề xuất giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng mô hình đào tạo này.

Theo bà Lan, "Quan trọng nhất trong việc này là xác định rõ định hướng mô hình đào tạo bác sĩ nội trú sẽ đổi mới theo con đường nào".

Hiện, cả nước có 13 cơ sở giáo dục đại học đào tạo bác sĩ nội trú. Trung bình một năm có 900 người tốt nghiệp bác sĩ nội trú, trên 40% số này từ Đại học Y Hà Nội.

Bài liên quan
Bác sĩ nói gì trước trào lưu 'ăn bông vạn thọ cùng mì tôm' đang rần rần trên TikTok?
Việc ăn bông vạn thọ cùng mì tôm thời gian gần đây không ngừng "chiếm sóng" các trang mạng xã hội. Nhưng liệu kết hợp này có tốt cho sức khỏe?

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đại học Y Hà Nội đề xuất mở rộng đào tạo bác sĩ nội trú