Tinh thần Hồ Chí Minh tiếp lửa, đội ngũ trẻ hóa công nghệ đã giúp ngôi trường vùng bãi ngang ở Hà Tĩnh đạt nhiều thành tích.
“Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Chiến sĩ thi đua và Cán bộ gương mẫu toàn quốc năm 1952 đã, đang và sẽ tiếp tục soi đường cho mọi phong trào trong ngành Giáo dục. Ở Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), tinh thần ấy trở thành sợi chỉ đỏ nối liền ý chí của tập thể sư phạm với khát vọng vươn lên của học sinh, hun đúc nên truyền thống “Dạy tốt – Học tốt” suốt nhiều năm qua.
Trong đội ngũ 58 cán bộ, giáo viên, những gương mặt tiêu biểu như: Cô Nguyễn Thị Mai – Giáo viên môn Địa lý, cô Nguyễn Thị Trang, cô Nguyễn Thị Hồng Hải… luôn kiên trì với phương châm: “Mỗi bài giảng là một công trình sáng tạo”. Từ việc chủ động đổi mới phương pháp, tích hợp công nghệ thông tin, xây dựng thư viện học liệu số tới việc nghiêm túc rút kinh nghiệm sau từng tiết dạy, các thầy cô đã góp phần đưa chất lượng giáo dục của nhà trường liên tục bứt phá.
Năm học 2019 – 2020, điểm đầu vào của học sinh thấp nhất tỉnh, với 9 điểm (tổng điểm tối đa 50 điểm). Thế nhưng, nhờ kiên định mục tiêu “lấy người học làm trung tâm”, những năm gần đây, điểm chuẩn đầu vào hằng năm tiệm cận các trường bạn, số lượng học sinh giỏi, xuất sắc và đạt giải trong các kỳ thi cấp tỉnh, thi tốt nghiệp THPT và trúng tuyển đại học luôn thuộc Tốp những trường cao nhất tỉnh. Thành quả ấy là minh chứng rõ ràng nhất cho giá trị của đổi mới – sáng tạo trên nền tảng kỷ cương, tình thương và trách nhiệm.
Trên mỗi bước chuyển mình của nhà trường luôn in dấu chỉ đạo sát sao của Ban giám hiệu nhà trường. Trong 5 năm, tập thể sư phạm đã có 48 sáng kiến kinh nghiệm được công nhận cấp ngành, được nhân rộng, áp dụng hiệu quả tại các đơn vị trong tỉnh. Nhà trường được khen thưởng nhiều danh hiệu cao quý cấp tỉnh, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Chính sự gương mẫu, tận tụy của đội ngũ lãnh đạo đã khơi dậy nội lực, định hướng rõ ràng cho giáo viên phấn đấu: “Cán bộ nêu gương, phong trào khởi sắc”. Bên cạnh hoạt động chuyên môn, các thầy, cô còn tiên phong lan tỏa văn hóa đọc, giáo dục kỹ năng sống, bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ môi trường… tạo nên môi trường học đường thân thiện, kỷ luật mà giàu tính nhân văn.
Cô Nguyễn Thị Trang - Tổ trưởng môn Toán (Trường THPT Nguyễn Đình Liễn) chia sẻ: Để thực hiện tốt phong trào thi đua, mỗi giáo viên cần kết hợp tự học với tham gia khóa tập huấn, hội thảo chuyên đề, phong trào. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải gắn liền với mỗi giờ giảng, mỗi hoạt động tổ chức cho học sinh.
Người dạy học không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn truyền cảm hứng. Giáo viên tích cực tham gia và dẫn dắt các phong trào chính là minh chứng sinh động nhất cho sức mạnh nêu gương, góp phần xây dựng “Trường học hạnh phúc”.
Thi đua phải gắn liền với chất lượng giờ dạy, với kết quả giáo dục toàn diện học sinh, với những sáng kiến thiết thực giải quyết khó khăn cụ thể của nhà trường.
“Các cấp lãnh đạo cần tổ chức phong trào theo hướng thiết thực, gắn mục tiêu cụ thể, khen thưởng kịp thời; khuyến khích nghiên cứu khoa học, sáng tạo; đồng thời xây dựng môi trường làm việc dân chủ, thân thiện để giáo viên phát huy năng lực”, cô Nguyễn Thị Trang nói.
Trong thời đại chuyển đổi số, yêu nước không nhất thiết gắn với những hành động lớn lao, mà hiện hữu trong từng trang giáo án chuẩn mực, từng bài giảng khơi dậy khát vọng vươn lên, từng sáng kiến cải tiến vì lợi ích người học. “Thi đua là yêu nước” – với người thầy, chính là yêu nghề, yêu trường, yêu trò, tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người.
Ông Hoàng Quốc Quyết, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Liễn cho biết, thực tiễn khẳng định: Thi đua không chỉ dừng ở khẩu hiệu mà phải được cụ thể hóa bằng hành động hằng ngày. Giáo viên gương mẫu trước hết ở việc chuẩn bị kế hoạch bài dạy đầy đủ, vào lớp đúng giờ, đánh giá công bằng và phản hồi kịp thời; tiếp đó là sự chủ động tham gia bồi dưỡng chuyên môn, dự giờ đồng nghiệp, tham gia hội thi giáo viên giỏi, nghiên cứu khoa học... Những việc làm tưởng chừng nhỏ bé ấy cộng hưởng lại thành sức mạnh lớn, nuôi dưỡng niềm tin của phụ huynh, học sinh đối với nhà trường.
“Bên cạnh mặt chủ đạo, vẫn còn những giáo viên e dè trước thay đổi, ngại ứng dụng công nghệ hoặc tham gia sân chơi chuyên môn vì lý do tuổi tác, áp lực thời gian. Điều đó đòi hỏi các cấp quản lý phải tiếp tục đồng hành, động viên, tháo gỡ khó khăn để không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình chuyển đổi số quốc gia”, ông Hoàng Quốc Quyết, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Liễn nói.