Các bị cáo dùng phương thức ký hợp đồng hợp tác hỗ trợ tài chính. Bên mua đất sẽ nộp một khoản tiền gọi là hỗ trợ tài chính và nhận đất, nhận sổ đỏ.
Bên mua sau đó tiếp tục bán hàng cho khách hàng thứ cấp. Đến khi đủ điều kiện chuyển nhượng thì Công ty Tây Hồ sẽ ký hợp đồng, xuất hóa đơn, hợp thức hóa việc mua bán đất bằng chứng từ thu chi.
Quá trình bán đất, các bị cáo trong HĐQT và bị cáo Ngà bàn nhau, thống nhất sẽ ra nghị quyết để phê duyệt giá bán thấp hơn giá thực tế để lấy tiền chia cho các thành viên HĐQT, chi thưởng lãnh đạo chủ chốt, chi các khoản không có chứng từ, không hạch toán được.
Tổng số tiền chênh lệch để ngoài sổ sách là 23,7 tỉ đồng, do bị cáo Ngọc Ngà thu và quản lý.
Sau khi thu được tiền chênh lệch, nhóm lãnh đạo gồm Đặng Quang Tuấn, Tân Tú Hải mỗi người đút túi 2 tỉ đồng; Phan Việt Anh đút túi 1,5 tỉ đồng và bị cáo Ngọc Ngà được chia 1 tỉ đồng.
Số tiền còn lại được dùng để chi vào các dịp lễ Tết, các khoản chi không có chứng từ, chi xin lại 10 ha đất tại Khu đô thị mới Quế Võ đã bị UBND Bắc Ninh thu hồi năm 2013.
Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (98,83% vốn nhà nước) sở hữu 50,09% vốn điều lệ tại Công ty Tây Hồ.
Tổng số tiền chuyển nhượng Công ty Tây Hồ thu được là 148 tỉ đồng. Trong khi đó, Hội đồng định giá tài sản theo vụ việc trong tố tụng hình sự tỉnh Bắc Ninh kết luận tổng giá trị của 118 lô đất là hơn 333 tỉ đồng.
Hành vi chuyển nhượng 118 lô đất trái quy định của nhóm bị cáo gây thất thoát tài sản Nhà nước hơn 91 tỉ đồng, tương ứng với tỉ lệ sở hữu cổ phần.