Đăng kí xét tuyển đại học: Đừng để mất cơ hội vì sai sót nhỏ

25/03/2024, 09:46
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Qua nhiều mùa tuyển sinh đại học (ĐH), các chuyên gia cho biết do đăng kí trực tuyến nên thí sinh rất dễ mất cơ hội vì những sai sót nhỏ khi đăng kí xét tuyển lên hệ thống của Bộ GD&ĐT.

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ, tại những mùa tuyển sinh trước, không ít trường hợp thí sinh sai sót khi nhập dữ liệu lên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT dẫn đến thông tin trúng tuyển sớm của thí sinh chưa có trên hệ thống.

Do đó ông Triệu khuyên thí sinh cần lưu ý là phải điền đúng và đầy đủ thông tin, tránh sai sót ảnh hưởng kết quả trúng tuyển sau này. Theo ông Triệu, kinh nghiệm là thí sinh không nên xem trên hệ thống mà cần in danh sách các nguyện vọng xét tuyển để rà soát, kiểm tra cho chính xác trước khi thực hiện thao tác cuối cùng của quy trình đăng kí xét tuyển trên hệ thống.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2024 tại chương trình tư vấn tuyển sinh vừa qua. Ảnh: Nghiêm Huê
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2024 tại chương trình tư vấn tuyển sinh vừa qua. Ảnh: Nghiêm Huê

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, cho hay mùa tuyển sinh năm 2023, nhiều thí sinh gặp sai sót ở nội dung về chế độ ưu tiên như khai sai thông tin về ưu tiên khu vực hoặc đối tượng. Ngoài ra, nhiều em không đăng kí xét tuyển đúng thời gian quy định và chọn không đúng nguồn dữ liệu xét tuyển.

Năm nay, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở nhận hồ sơ đăng kí dự thi của thí sinh phải tra soát đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên cho thí sinh dựa trên dữ liệu dân cư quốc gia để giảm thiểu sai sót. Tuy nhiên, bà Thủy nhấn mạnh thí sinh cần lưu ý mốc thời gian đăng kí xét tuyển để không mất cơ hội.

Về đăng kí nguyện vọng trên hệ thống, bà Thủy nhắc lại thí sinh chỉ cần quan tâm tới nguyên tắc ngành nào thích nhất đặt lên trước. Do đó, trường hợp các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm nhưng không phải ngành yêu thích nhất, thí sinh có thể xếp sau.

Ngành “hot” không bằng người “hot”

Bà Thủy cho hay năm nay, thí sinh tiếp tục được đăng kí không giới hạn số lượng nguyện vọng và khuyên thí sinh không nên đăng kí một hoặc một vài nguyện vọng vì sẽ làm giảm cơ hội trúng tuyển. Ngoài ra, thí sinh không nên đặt tất cả nguyện vọng vào những ngành, trường có mức độ cạnh tranh quá cao vì dễ bị rủi ro.

“Khi đăng kí nguyện vọng xét tuyển, thí sinh phải làm quen với thao tác trực tuyến. Đặc biệt lưu ý phải thực hiện hết quy trình từ đầu đến cuối, không dừng lại và thoát ra giữa chừng, vì lúc này các thao tác chưa được ghi nhận. Chỉ khi thực hiện hết quy trình, hệ thống mới báo những nguyện vọng này đã được xác nhận”, bà Thủy nói. Đồng thời khẳng định khi thực hiện đổi nguyện vọng cũng phải chú ý thực hiện đúng, đủ quy trình và hoàn thành các thao tác đến bước cuối cùng.

Bên cạnh đó, một số thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT rất cao nên chủ quan đăng kí một nguyện vọng vào trường tốp đầu và tự tin sẽ trúng tuyển. Tuy nhiên, thí sinh không đọc kỹ Đề án tuyển sinh của trường với những yêu cầu tiêu chí phụ hoặc thí sinh phải qua sơ tuyển. Vì chưa đáp ứng điều kiện này nên thí sinh không những không trúng tuyển trường yêu thích, mà còn mất luôn cơ hội vào các trường ĐH khác.

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa với kinh nghiệm nhiều năm làm tư vấn tuyển sinh, khuyên thí sinh nên chọn ngành trước khi chọn trường. Bên cạnh đó, chọn ngành có năng khiếu, năng lực; đồng thời xem xét cơ hội phát triển của ngành đó ở thị trường hiện tại ra sao.

Ông Khánh nêu thông tin trên thị trường có nhiều ngành nghề khác nhau nhưng không phải cứ ngành “hot” thì cơ hội phát triển sẽ tốt hơn các ngành khác. Nếu chọn những ngành khó, hóc búa, ít người theo đuổi thì khi ra trường, thí sinh là chuyên gia trong lĩnh vực đó thì cơ hội phát triển rất lớn.

“Việc chọn ngành nghề có thể chưa đúng sở thích của mình, nhưng có thể điều chỉnh được”, ông Khánh nói. Đồng thời ông dẫn chứng một nghiên cứu ở ĐH Harvard (Mỹ) khảo sát trên 30 nghìn người cho thấy, sự thành công của họ có đến 85% là thái độ, kỹ năng; 15% về chuyên môn, chuyên ngành.

Theo PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, trong xu hướng liên ngành, nếu thí sinh có thái độ, kỹ năng tốt thì dù làm ở ngành nào cũng có cơ hội phát triển. Nếu chẳng may chọn ngành sai nhưng biết trau dồi kiến thức, kỹ năng, vẫn có thể thích ứng và thành công.

Bài liên quan
Tận dụng cơ hội vàng xét tuyển đại học
Hàng loạt cơ sở giáo dục đại học thông báo xét tuyển bổ sung năm 2024, mở ra nhiều cơ hội...

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đăng kí xét tuyển đại học: Đừng để mất cơ hội vì sai sót nhỏ