Afghanistan là nơi sản xuất heroin và thuốc phiện lớn nhất thế giới. Việc sử dụng thuốc phiện đang khiến hàng triệu người mắc kẹt trong đói nghèo.

"Chúng tôi dùng tất cả tiền mà mình kiếm được để mua thuốc. Khi con cái tôi đòi đồ ăn, tôi đưa cho chúng nước và bánh mì. Chúng tôi lúc nào cũng đói".

"Một ngày, tất cả con tôi đều nghiện. Rất khó để xoay xở tài chính sau việc đó. Chúng tôi chưa bao giờ có đủ tiền để cho lũ trẻ ăn cũng như đáp ứng những cơn nghiện của mình".

Số lượng người nghiện ở Afghanistan gia tăng cho thấy thuốc phiện và heroin có tác động mạnh mẽ thế nào đến các gia đình.

Zahra - con gái lớn của Marwa chỉ 11 tuổi khi cha cô bé đưa cho cô dùng thử heroin.

"Bố mẹ cháu hút thuốc trong phòng kín thậm chí cả khi chúng cháu cũng có mặt đó. Cháu nghĩ mình bị ảnh hưởng bởi khói thuốc. Một hôm cháu cảm thấy rất đau đớn và bố đã đưa cho cháu một ít heroin. Cháu thấy khá hơn. Vì thế, mỗi lần đau đớn, cháu đều sử dụng heroin cùng bố mẹ".

Nỗ lực xóa sổ thuốc phiện không dễ dàng

Sau khi Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan năm 1989, chính phủ sụp đổ năm 1992 và sự nổi lên của các lãnh chúa khắp đất nước, hoạt động sản xuất và trồng thuốc phiện đã phát triển mạnh. Việc này chỉ giảm sau một chiến dịch của Taliban vào năm 1999. Từ 1999 - 2000, 1 năm trước khi Mỹ tiến hành chiến dịch quân sự ở Afghanistan, Taliban đã xóa sổ phần lớn việc trồng thuốc phiện. Vào năm 2001, việc trồng thuốc phiện đã giảm 91% so với thời kỳ đỉnh điểm năm 1999.

Đằng sau thảm kịch thuốc phiện ở Afghanistan - Ảnh 3.

Cánh đồng hoa anh túc ở Kandahar. Ảnh: Kanika Gupta

Tuy nhiên, việc tách rời nền kinh tế Afghanistan với thuốc phiện cũng khó khăn như việc cai nghiện.

Với việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan năm 2021 và lệnh trừng phạt của phương Tây áp lên chính quyền Taliban, tình hình kinh tế ở nước này ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Các nhà tài trợ quốc tế đã hạn chế hỗ trợ Afghanistan do Taliban cấm nữ giới đến trường. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân Afghanistan. Theo một báo cáo của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), số người sống dưới mức nghèo đã tăng lên 34 triệu vào cuối năm 2022 so với con số 19 triệu năm 2020. Báo cáo này cũng cho biết, thậm chí nếu Liên Hợp Quốc thành công trong việc kêu gọi khoản hỗ trợ quốc tế lên tới 4,6 tỷ USD vào năm nay thì điều đó vẫn không thể đáp ứng những gì cần thiết nhằm cải thiện các điều kiện cho hàng triệu người Afghanistan.

Nhiều người dân nghèo Afghanistan không còn lựa chọn nào ngoại trừ việc dựa vào buôn bán thuốc phiện. Sau khi kiểm soát Kabul năm 2021, Taliban thực hiện lệnh cấm hoàn toàn việc buôn bán và trồng tất cả các loại ma túy. Những người vi phạm sẽ bị phá hủy các cánh đồng trồng ma túy và chịu phạt theo luật Hồi giáo.

Nhà nghiên cứu độc lập David Mansfield đã gọi chiến dịch xóa sổ cây anh túc của Taliban là "thành công đáng kể". Tại Helmand, tỉnh sản xuất thuốc phiện lớn nhất Afghanistan, việc trồng cây anh túc đã giảm mạnh xuống 7,4 km vuông vào tháng 4/2023 so với con số 1.290km vuông năm 2022. Tương tự, tại Nangarhar, việc trồng thuốc phiện cũng giảm xuống còn 8,65km vuông so với con số 70km vuông năm 2022.

Tuy nhiên, những nỗ lực xóa sổ việc trồng thuốc phiện đã để lại nhiều bài học cho Taliban. Bất chấp những biện pháp quyết liệt của Taliban trong việc xóa sổ cây anh túc trong lệnh cấm được áp dụng lần đầu vào những năm 1990, mọi người bắt đầu trồng lại thuốc phiện vào 1 năm rưỡi sau đó do tình trạng đói nghèo và việc trồng anh túc là cách duy nhất để kiếm tiền nhanh chóng trước khi các khoản cứu trợ quốc tế đến nơi.

Kể từ khi chính quyền Afghanistan do Mỹ ủng hộ sụp đổ , nước này đã mất đi nhiều bác sĩ, y tá, nhân viên xã hội và các chuyên gia do làn sóng di cư. Việc hạn chế các khoản cứu trợ nhân đạo cũng gây khó khăn trong việc cung cấp phương pháp điều trị phù hợp cho những bệnh nhân như Marwa. Hiện Afghanistan cũng đối mặt với tình trạng thiếu lương thực và thuốc men nghiêm trọng.

Không còn khói thuốc

Bác sĩ Hakeem đến từ Kabul nói rằng việc điều trị cho Marwa và gia đình cô không dễ dàng nhưng sau 4 lần được đưa vào trung tâm điều trị, gia đình cô đã cai được thuốc.

Khi nhìn thấy Mina qua video, tôi thấy cô bé đã khá hơn nhiều so với đứa trẻ 2 tuổi tôi gặp năm ngoái. Marwa nói rằng cô và gia đình đã cai thuốc được 3 tháng. Tuy nhiên, một vài giây sau cô nói rằng: "Tôi đã không hút sheesha hoặc heroin 10 ngày", song thừa nhận cô đã tái phát một vài lần và thường phải đưa những đứa trẻ ra ngoài để hút thuốc một mình.

Mina giờ đã 3 tuổi, hầu như không nhớ các phương pháp cai nghiện đau đớn mà cô bé trải qua tại bệnh viện nhưng mẹ cô bé thì nhỡ rõ những ngày đó và gọi chúng là hỗn loạn và đau đớn.

"Những ngày không có thuốc, tất cả chúng tôi đều đau đớn và da dẻ tái mét. Điều đó khiến tôi buộc phải chấp nhận để bản thân và con cái mình tới bệnh viện điều trị", Marwa cho hay.

"Giờ thì tất cả các con của tôi đều đã cai nghiện được. Chúng tôi không còn khói thuốc trong nhà".

Những đứa trẻ của Marwa không còn phụ thuộc vào thuốc phiện và không còn phải chịu những cơn đau.

Zahra, cô bé trong bộ đồ con trai ngày nào nay đã khỏe mạnh và vui vẻ hơn. Cô bé khao khát được tới trường.

"Cháu không còn cảm thấy cần thuốc nhưng cháu rất muốn được tới trường", Zahra nói./.

Theo VOV
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/dang-sau-tham-kich-thuoc-phien-o-afghanistan-post1028011.vov
Copy Link
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/dang-sau-tham-kich-thuoc-phien-o-afghanistan-post1028011.vov
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đằng sau thảm kịch thuốc phiện ở Afghanistan