Cô Dương Thị Hồng Minh - Trường Tiểu học & THCS Văn Minh (Na Rì, Bắc Kạn) và học trò trong giờ học. Ảnh: NVCC |
Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên Chương trình GDPT Ngữ văn 2018, với môn Ngữ văn, đánh giá năng lực viết và đọc hiểu là 2 yêu cầu quan trọng, phù hợp thực tế Việt Nam. Năng lực viết đương nhiên phải thông qua yêu cầu viết kiểu văn bản.
Năng lực đọc hiểu, hoàn toàn có thể thông qua câu hỏi trắc nghiệm khách quan và tự luận, phù hợp với quy định của Chương trình môn Ngữ văn 2018. Mỗi hình thức có ý nghĩa, vai trò riêng, đều mang lại tác dụng tốt, hiệu quả trong việc đánh giá nếu vận dụng đúng và xây dựng được hệ thống câu hỏi, bài tập chất lượng.
“Trắc nghiệm khách quan bảo đảm được phạm vi kiểm tra có độ phủ rộng, khách quan, công bằng, nhanh gọn, dễ chấm, thuận tiện trong xử lý kết quả... Tuy nhiên, biên soạn được các câu hỏi trắc nghiệm cho đúng, hay và chất lượng cao... với môn Ngữ văn rất khó”. Nhấn mạnh điều này, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho biết, với môn Ngữ văn, lâu nay trên thế giới khi đánh giá năng lực đọc hiểu, người ta dùng trắc nghiệm khách quan rất nhiều. Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) là một ví dụ.
Ở Việt Nam, một số kỳ thi lớn chưa đánh giá bằng trắc nghiệm do mục tiêu, tính chất và trình độ thiết kế câu hỏi trắc nghiệm còn hạn chế, không phải do bản thân hình thức câu hỏi trắc nghiệm kém, không phù hợp... Chẳng hạn, thi tốt nghiệp THPT, nếu kết hợp trắc nghiệm đọc hiểu và viết trong một bài thi thì khó xử lý chấm câu trắc nghiệm bằng máy như các môn chỉ đánh giá bằng trắc nghiệm. Nghĩa là, nếu chỉ kiểm tra đọc hiểu thì hoàn toàn có thể dùng trắc nghiệm.
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, các kỳ thi lớn của một số trường đại học tốp đầu như ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP Hồ Chí Minh, Trường ĐHSP Hà Nội; các trường đại học tự chủ tuyển sinh, kỳ thi dự tuyển học bổng các trường ĐH quốc tế... vẫn dùng hình thức trắc nghiệm. Trên các phương tiện truyền thông, nhiều chương trình (Đường lên đỉnh Olympia, Ai là triệu phú....) sử dụng hình thức câu hỏi trắc nghiệm đối với năng lực Ngữ văn...
“Chúng tôi cho rằng, trong đánh giá thường xuyên, kiểm tra nhanh, định kỳ, thi cuối năm, cuối cấp, vẫn có thể sử dụng câu hỏi trắc nghiệm khách quan với một tỷ lệ điểm phù hợp (nếu không phải chấm các câu trắc nghiệm này bằng máy). Trong dạy học có thể sử dụng trắc nghiệm để khởi động, kiểm tra bài cũ hoặc dùng để ra bài tập củng cố bài học... Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là cần xây dựng được bộ câu hỏi trắc nghiệm đúng, hay, phù hợp và chất lượng... Để đạt được yêu cầu tiên quyết ấy cần sự nỗ lực và tính cẩn thận của người ra đề”, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống chia sẻ.
Trong Chương trình Ngữ văn 2018, phần hướng dẫn hình thức đánh giá ghi rõ: “Đề thi, kiểm tra có thể yêu cầu hình thức viết tự luận (một hoặc nhiều câu); có thể kết hợp hình thức trắc nghiệm khách quan (câu hỏi trắc nghiệm khách quan) và tự luận (câu hỏi mở) để đánh giá đọc hiểu và yêu cầu viết bài văn về một chủ đề nào đó theo từng kiểu văn bản đã học trong chương trình”. Đây chính là cơ sở pháp lý, giáo viên có thể dựa vào đó để thiết kế, biên soạn đề kiểm tra, thi nhằm đánh giá năng lực của học sinh trong môn Ngữ văn. Việc còn lại chỉ là làm sao biên soạn câu hỏi trắc nghiệm cho đúng, hay và phù hợp với mỗi kỳ thi. PGS.TS Đỗ Ngọc Thống