Đánh giá năng lực học sinh sao cho đúng người, đúng thời điểm

Hiếu Nguyễn | 29/09/2022, 13:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Năng lực đánh giá học sinh là một trong những hạn chế của nhiều giáo viên. 

Thay đổi trong triết lý đánh giá

Năm 2011, TS Lê Thái Hưng, Trưởng khoa Quản trị chất lượng, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) và đồng nghiệp thực hiện một nghiên cứu với dữ liệu khảo sát thông qua bảng hỏi gần 550 giáo viên cả 3 cấp (tiểu học, THCS, THPT).

Kết quả cho thấy, tỷ lệ vượt trội giáo viên sử dụng thường xuyên các loại câu hỏi/cách thức kiểm tra truyền thống như bài kiểm tra trên giấy, câu hỏi tự luận, bài tập, câu hỏi trắc nghiệm khách quan trong kiểm tra đánh giá. Giáo viên cũng đầu tư thời gian, chuẩn bị kỹ lưỡng và tự tin với những loại công cụ đánh giá này hơn là những cách thức mà hiện nay khoa học đánh giá đang khuyến cáo như hồ sơ học tập, thực hành, quan sát và ghi chép.

“Chúng tôi hiểu được nguyên nhân và những thách thức, trở ngại của giáo viên”. Chia sẻ điều này, TS Lê Thái Hưng cho rằng: Để từng bước cải tiến hoạt động đánh giá trong dạy học theo hướng vì sự tiến bộ của học sinh, trước hết, cần bắt đầu từ tự nghiên cứu, tìm hiểu và không ngừng suy tư của giáo viên về mục đích, vai trò của kiểm tra đánh giá. Chính điều này sẽ dẫn dắt giáo viên đến sự thay đổi trong cách thức tiếp cận và trong từng hành vi đánh giá cụ thể.

Đi từ triết lý, khoa học về đo lường và đánh giá trong giáo dục đang ngày càng khẳng định vai trò của đánh giá đối với việc thúc đẩy học tập, vì hoạt động học tập; đồng thời khuyến cáo nhà quản lý giáo dục, giáo viên cần cân bằng, thậm chí cần đầu tư nhiều hơn cho mục đích đánh giá vì hoạt động học tập, thay vì coi kiểm tra đánh giá chỉ thuần túy là đo lường kết quả học tập như hiện nay.

Một khi triết lý đánh giá thay đổi, giáo viên sẽ cảm nhận được sự cởi trói trong những ràng buộc, thể chế, hướng dẫn từ các cấp quản lý để tự học hỏi và tự do sáng tạo; từ đó nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động đánh giá mà họ triển khai.

Hiện giáo viên có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin chính thống, khoa học, cũng như sự trợ giúp từ các nhà chuyên môn, cộng đồng thông qua nhiều cuốn sách đã được xuất bản, mạng Internet và các trang mạng xã hội. Về sách, hãy tìm đọc những ấn phẩm về tâm lý giáo dục và sư phạm để cập nhật tri thức, đặc biệt là tri thức về quá trình nhận thức của học sinh và xu hướng đổi mới giáo dục, dạy học trên thế giới.

Cùng với những kênh cộng đồng trên, TS Lê Thái Hưng tin rằng, vai trò của ban giám hiệu, các tổ chuyên môn trong nhà trường đối với vấn đề tự học và cải tiến của giáo viên là rất lớn. Các cuộc họp chuyên đề chính là nơi ban giám hiệu có thể nêu vấn đề, giáo viên chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, cùng nhau trao đổi và sáng tạo.

Theo TS Lê Thái Hưng, tiếp tục đổi mới trong chính sách là thật cần thiết, không chỉ đối với kiểm tra, đánh giá nói riêng; mà rộng hơn là trong dạy học và giáo dục, theo hướng khai phóng, tạo sự tự chủ cho giáo viên. Những khóa tập huấn giáo viên cần tiếp tục được rà soát, đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp nhu cầu thực tiễn và xây dựng mới. Cùng với đó, tiếp tục đầu tư phát triển các cộng đồng học tập trực tuyến cho giáo viên.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/danh-gia-nang-luc-hoc-sinh-sao-cho-dung-nguoi-dung-thoi-diem-post609800.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/danh-gia-nang-luc-hoc-sinh-sao-cho-dung-nguoi-dung-thoi-diem-post609800.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đánh giá năng lực học sinh sao cho đúng người, đúng thời điểm