Đến hẹn lại lên, vào thời điểm cuối tháng 12, các cơ quan đơn vị lại bắt tay vào cuộc họp bình bầu thi đua, đánh giá xếp loại cán bộ, công chức, viên chức. Đây là một yêu cầu rất quan trọng, là động lực thúc đẩy mọi người phấn đấu làm việc, cống hiến tốt hơn… Đặc biệt, theo quy định hiện nay, tất cả các trường hợp đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức hằng năm là cơ sở để thực hiện công tác quy hoạch, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, nâng lương đối với cán bộ, công chức, viên chức.
TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ
TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức hằng năm trong các cơ quan, đơn vị có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm xác định được các cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để động viên, khen thưởng kịp thời và những người chưa hoàn thành nhiệm vụ hoàn thiện mình hơn. Đồng thời, qua việc đánh giá xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức cũng là căn cứ để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng ngạch hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, quy hoạch bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chính sách khác đối với cán bộ, công chức, viên chức.
“Chính vì có vai trò quan trọng như vậy nên việc đánh giá xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức phải đảm bảo khách quan, công bằng, chính xác, không nể nang trù dập thiên vị”, TS Nguyễn Tiến Dĩnh khẳng định.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, kết quả đánh giá xếp loại cán bộ, công chức, viên chức trong những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực, thực chất hơn. Số liệu của năm 2021 cho thấy, số cán bộ, công chức, viên chức được đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chỉ có khoảng 22% mà trước đó số liệu này khoảng 30%; số cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ là 1,72%, những năm trước tỷ lệ này chỉ có khoảng từ 0,56-0,64%.
Khẳng định đã có sự chuyển biến tích cực hơn, song nhìn một cách tổng thể, việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa sát với thực tiễn, chưa căn cứ vào sản phẩm, kết quả công việc đầu ra và cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Theo TS Nguyễn Tiến Dĩnh, những tồn tại này là do việc đánh giá còn cảm tính, hình thức, xuê xoa, chiếu lệ; kết quả đánh giá nhiều nơi chưa phản ánh đúng thực tế chất lượng cán bộ.
Từ năm 2020, việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo Nghị định 90/2020. Nghị định này có nhiều điểm mới tiến bộ và thực chất hơn.
“Nghị định 90 xác định chi tiết cụ thể về các tiêu chí, lập trường tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách làm việc và ý thức tổ chức kỷ luật”, TS Dĩnh cho rằng, với những khung quy định cụ thể, mỗi cán bộ, công chức, viên chức sẽ tự soi chiếu để nhận thấy ưu, khuyết điểm của mình trong thực thi nhiệm vụ, tu dưỡng, rèn luyện. Đồng thời, qua đó, việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ sẽ công bằng, khách quan, loại bỏ việc đánh giá theo cảm tính.
Kết quả đánh giá xếp loại cán bộ, công chức, viên chức trong những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực
Tuy nhiên, bên cạnh việc siết chặt quy định, TS Dĩnh cũng nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc xếp loại, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo thẩm quyền. Nếu người đứng đầu nể nang, né tránh thì không thể có hiệu quả cao khi đánh giá cán bộ công chức, viên chức.
“Chúng ta cần có cơ chế quy định người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, ai giao nhiệm vụ thì người đó đánh giá, như vậy mới nắm rõ được. Đặc biệt, phải có một hệ thống thống nhất về đánh giá và tập trung vào một cơ quan duy nhất để thống nhất về đánh giá và sử dụng kết quả đánh giá này”, TS Dĩnh nêu quan điểm.
Trong tất cả các khâu, phải rất coi trọng vai trò, trách nhiệm người đứng đầu. Bởi cách làm căn cứ trên những quy định đã có, mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là người thực hiện, mà người thực hiện quan trọng nhất lại là những người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Ngoài việc đề cao vai trò của người đứng đầu, TS Nguyễn Tiến Dĩnh cũng đề xuất để khắc phục việc đánh giá công chức, viên chức hoàn thành nhiệm vụ một cách thực chất, cần phải căn cứ vào vị trí việc làm. "Phải giao việc làm để cho ra sản phẩm rồi căn cứ vào năng suất lao động thực tế, sản phẩm thực tế, mức độ hoàn thành để đánh giá chất lượng công việc".
Chỉ có đánh giá công bằng, chính xác thì mới làm cơ sở, là động lực để cán bộ, công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bởi vậy trong thời gian tới cùng với việc hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật về đánh giá cần phải tập trung để hoàn thành xong việc xác định vị trí việc làm, khung năng lực, từ đó làm cơ sở để đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng thực chất hơn, tránh tình trạng dĩ hòa vi quý./.