Trong số các danh nhân của dòng họ Phan Huy đất Sài Sơn, Dụ Am Phan Huy Ích có vị trí nổi bật. Ông thuộc đời thứ 8 của dòng họ (là con cả của Phan Huy Cận, là thân phụ của danh nhân Phan Huy Chú).
Tại Hội thảo, các tham luận đi sâu phân tích về hành trạng, thân thế, sự nghiệp, văn bản trước tác, thành tựu thơ văn của danh nhân Phan Huy Ích, đặt trong mối quan hệ với dòng họ Phan Huy đất Sài Sơn cũng như trong nền văn hoá Việt Nam thời trung đại.
Nội dung các tham luận bao quát các khía cạnh vấn đề đặt ra của Ban Tổ chức, thể hiện khá rõ nét trên ba phương diện: Một số vấn đề chung về dòng họ Phan Huy đất Sài Sơn; Thân thế, sự nghiệp của danh nhân Phan Huy Ích; Thành tựu thơ văn của Dụ Am tiên sinh.
Trong các chủ đề và vấn đề được đặt ra trong Hội thảo, có một số vấn đề đã được các nhà nghiên cứu trước đây tìm hiểu, bàn thảo khá nhiều, nhưng cũng có những vấn đề được đề xuất mới và bước đầu đề xuất phương án và quan điểm để giải quyết.
Các tác giả tham luận là những học giả đã có nhiều kinh nghiệm học thuật, đóng góp tiếng nói khoa học từ góc độ cá nhân và chịu trách nhiệm trước những tư liệu và quan điểm mà mình sử dụng và đưa ra.
Các vấn đề được bàn thảo đã đánh dấu một cột mốc trong tư duy và nhận thức khoa học ngày nay về danh nhân Phan Huy Ích cũng như về những vấn đề cụ thể liên quan. Đồng thời là những gợi mở để tiếp tục triển khai các nghiên cứu tiếp theo trên cả hai hướng mở rộng và đi sâu.
Đặc biệt, ông Ban Ki Moon - Nguyên Tổng Thư kí Liên Hiệp Quốc, Giám đốc Quỹ Ban Ki-moon Vì Một Tương Lai Tốt Đẹp Hơn - đã gửi Lời phát biểu chào mừng tới Hội thảo. Ông nhấn mạnh: “Với tổ tiên như tiên sinh Phan Huy Ích, một nhà ngoại giao vĩ đại đã cống hiến cho ba triều đại từ nhà Lê, nhà Tây Sơn, cho đến nhà Nguyễn, tôi xin chúc cho dòng họ Phan tiếp tục sản sinh ra những người con cống hiến cho tổ quốc Việt Nam như vậy. Tôi mong chờ sự thành công của Hội thảo khoa học, và hy vọng rằng mối quan hệ hữu hảo giữa Hàn Quốc và Việt Nam sẽ mãi mãi bền lâu…