Trong bối cảnh chuyển đổi số, các cơ sở đào tạo báo chí cần nỗ lực chuyển đổi về tư duy, phương pháp, cách thức để bổ sung đội ngũ nhà báo trẻ...
Theo PGS.TS Trần Thanh Giang - Phó Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 6/4/2023. Mục tiêu chung là xây dựng các cơ quan báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, hoàn thành tốt sứ mệnh cách mạng, đồng thời phát triển ngành công nghiệp nội dung số.
Công tác phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được xem như một trong những nhiệm vụ chủ đạo để thực hiện chuyển đổi số thành công. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho nhà báo; phát triển nền tảng số quốc gia cho báo chí có sự hỗ trợ từ Bộ Thông tin và Truyền thông. Cùng đó, chuyển đổi số diễn ra ở các cơ sở đào tạo, với mô hình “đưa tòa soạn đến giảng đường”, gắn đào tạo với thực tiễn hoạt động báo chí.
Các hình thức đào tạo được điều chỉnh đáp ứng nhu cầu cập nhật kiến thức, kỹ năng mới dành cho đội ngũ nhân sự trong lĩnh vực báo chí, truyền thông tương lai. Những năm gần đây, tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp khá cao. Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, 70% sinh viên nhóm ngành báo chí, truyền thông có việc làm đúng lĩnh vực đào tạo, 80% làm ở lĩnh vực liên quan.
Nhấn mạnh yếu tố đổi mới nội dung chương trình đào tạo báo chí truyền thông trực tuyến theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa, TS Nguyễn Thị Khuyên - Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, bằng cách xây dựng nội dung dạy học công nghệ số, sinh viên có thể tự nghiên cứu và tìm kiếm thông tin trên mạng. Mọi tri thức nhân loại được số hóa, khi muốn tìm tài liệu liên quan đến việc nào đó chỉ cần dùng các công cụ tìm kiếm để tìm từ khóa.
“Chương trình đào tạo theo hướng số hóa sẽ hình thành các năng lực nghề nghiệp cao và kỹ năng mềm bổ trợ, sự chuyên nghiệp trong không gian mở. Điều này không chỉ cung cấp những gì giảng viên đang có mà còn dạy trò sáng tạo ra cái mới. Học tập để tăng giá trị cạnh tranh chứ không phải đạt tấm bằng”, TS Nguyễn Thị Khuyên trao đổi.
Trong bối cảnh hiện nay, đào tạo báo chí truyền thông cần theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các cấp học, trình độ và phương thức đào tạo, bồi dưỡng; chuẩn hóa, hiện đại hóa; kết hợp chặt chẽ giữa phương thức trực tuyến và truyền thống mang lại cho sinh viên cơ hội tiếp cận các chương trình học tập thuận tiện, dễ dàng và hiệu quả. Đây là xu hướng tất yếu, có ý nghĩa quan trọng để tạo ra nguồn nhân lực báo chí truyền thông cho đất nước trong bối cảnh chuyển đổi số.
Nêu quan điểm, ThS Ngô Đức Phương - Học viện Báo chí và Tuyên truyền đồng thời nhấn mạnh, nội dung bài giảng trực tuyến các môn phải thường xuyên cập nhật, đưa vào những vấn đề thực tiễn. Bài giảng phải có điểm nhấn, chỉ ra cái mới, điều sinh viên cần chiếm lĩnh; những vấn đề mới do sự phát triển của khoa học công nghệ đặt ra cần lý giải. Thông qua trao đổi, phân tích, giải thích, sinh viên dễ dàng tiếp cận.
PGS.TS Phạm Minh Sơn - Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng khoa học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: TG. |
Trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI), các tòa soạn chú trọng đẩy mạnh khai thác công nghệ này nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động truyền thông, đa dạng các định dạng nội dung cũng như gia tăng trải nghiệm mới lạ và giá trị cho độc giả. Tuy nhiên, AI không thể thay thế hoàn toàn công việc của nhà báo mà chỉ là “trợ thủ” đắc lực với điều kiện nhà báo phải hiểu và biết cách sử dụng, kiểm soát công nghệ.
Từ thực tế đó, TS Đỗ Anh Đức đến từ Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) đưa ra đề xuất, các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông cần nghiên cứu để công nghệ AI được xem là môn học liên ngành nằm trong khối học phần đại cương nhằm trang bị cho sinh viên kiến thức, kỹ năng cơ bản để có khả năng tự cập nhật các ứng dụng mới. Tích hợp công nghệ và công cụ AI vào các học phần cơ sở ngành và chuyên ngành để bổ trợ kiến thức và kỹ năng cho sinh viên.
Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông cần đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp như tăng cường liên kết với các công ty/tập đoàn công nghệ, cơ quan báo chí - truyền thông. Mối quan hệ hợp tác cần đa dạng hóa trên nhiều phương diện để đem lại lợi ích lâu dài cho 3 bên gồm cơ sở đào tạo - công ty/tập đoàn công nghệ, cơ quan báo chí, truyền thông - sinh viên.
Các phương diện liên kết, hợp tác chặt chẽ có thể là mời chuyên gia công nghệ, nhà báo giàu kinh nghiệm giảng dạy, xây dựng chương trình đào tạo, tham dự chấm thực tập và khóa luận tốt nghiệp của sinh viên; tạo cơ hội thực tập, việc làm thực tế cho sinh viên; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; cử giảng viên tham gia đào tạo ngắn hạn tại công ty/tập đoàn công nghệ hoặc làm nghề tại cơ quan báo chí - truyền thông…
Trước yêu cầu mới, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tiếp tục đổi mới chương trình theo hướng hiện đại kết hợp với công nghệ để đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhân lực số từ cơ quan báo chí.
Chia sẻ thông tin, PGS.TS Phạm Minh Sơn – Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng khoa học đồng thời cho hay: Chương trình đào tạo 7 chuyên ngành báo chí truyền thông cho sinh viên hệ đại học và các hệ sau đại học cần tập trung cập nhật kiến thức, kỹ năng tác nghiệp trong môi trường báo chí số.
Là cơ sở trọng điểm hàng đầu về đào tạo báo chí cả nước, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu về chuyển đổi số báo chí. Chuyển đổi số mang lại xu thế hội tụ về công nghệ, xuất bản theo yêu cầu của người dùng và các nền tảng báo chí mới đã ra đời nhằm đáp ứng các yêu cầu đó. Nhà trường tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng để có thể vận hành tốt chương trình đào tạo theo hướng hiện đại hóa đã xây dựng.
GS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, thời gian qua, các trường đào tạo báo chí - truyền thông có đổi mới về tư duy đào tạo, chú trọng thiết kế nội dung, chương trình bám sát yêu cầu thực tế. Công tác tổ chức và quản lý đào tạo, bồi dưỡng, khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo ngày càng chặt chẽ, chuyên nghiệp hóa; chú trọng đầu tư trang thiết bị dạy học hiện đại, đưa công nghệ báo chí - truyền thông mới vào sử dụng.