Theo Báo cáo đánh giá tác động “Lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình GDPT 2018” của Bộ GD&ĐT, dự kiến khi thực hiện chính sách này, các địa phương sẽ tuyển dụng được khoảng 10 nghìn giáo viên các môn học để thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Về kinh phí để đào tạo nâng chuẩn giáo viên có trình độ cao đẳng lên đại học, Bộ GD&ĐT dẫn quy định của Nghị định số 97/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Theo đó, mức học phí đào tạo trình độ đại học trong giai đoạn 2024 – 2030 bình quân là 1,79 triệu đồng/tháng đối với trình độ đào tạo chính quy và 2,7 triệu đồng/tháng đối với trình độ vừa làm vừa học.
Bộ GD&ĐT dự kiến có 50% số giáo viên đào tạo trình độ chính quy và 50% số giáo viên đào tạo trình độ vừa học, vừa làm. Thời gian đào tạo bình quân thực tế là 15 tháng, tổng kinh phí cần 400 tỷ đồng trong 7 năm (từ 2024 - 2030) do ngân sách địa phương đảm bảo theo quy định tại Nghị định 71.
Trong quá trình xây dựng Luật Giáo dục 2019, Bộ GD&ĐT cũng đánh giá tác động của việc nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên cấp mầm non, phổ thông.
Tuy nhiên, với yêu cầu thực tế khi triển khai Chương trình GDPT 2018, trong giai đoạn chuyển tiếp có phát sinh, cần bổ sung đủ số lượng giáo viên đứng lớp bảo đảm theo thực tế tăng dân số cơ học và thực hiện giảng dạy các môn học; đặc biệt là các môn: Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Ngoại ngữ, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) theo Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học và THCS.
Việc xây dựng Nghị quyết không làm phát sinh thêm biên chế, đảm bảo phù hợp với quy định của Nghị quyết số 19-NQ/TW về tinh giản biên chế do việc tuyển dụng sinh viên/giáo viên có trình độ cao đẳng được các địa phương triển khai trong tổng số biên chế được giao theo quy định của Ban tổ chức Trung ương.
Việc tuyển dụng đối tượng này thực hiện theo quy định của Chính phủ, các chế độ, chính sách đối với đối tượng này sau khi tuyển dụng được áp dụng các quy định hiện hành của Chính phủ và Bộ GD&ĐT.
Mới đây, Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo hồ sơ “Lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng dạy một số môn học theo Chương trình GDPT 2018”. Theo đó, Dự thảo đề xuất cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng ở một số môn học cấp tiểu học và THCS, gồm: Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Ngoại ngữ, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật).