Từ năm 2016 trở lại đây, mô hình hợp tác xã kiểu mới là một loại hình kinh doanh trong nông nghiệp có hiệu quả. Thực chất của Hợp tác xã kiểu mới bao gồm:
Đơn vị kinh doanh độc lập trong cơ chế thị trường, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và trách nhiệm đối với thành viên.
Hợp tác xã được tổ chức trong mọi lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là trong nông nghiệp. Thành viên vừa là chủ, vừa là khách thông qua quy định góp vốn và sử dụng dịch vụ của hợp tác xã.
Mọi thành viên đều bình đẳng như nhau, tham gia với tinh thần tự nguyện, cùng có lợi và cùng chịu rủi ro trong sản xuất kinh doanh.
Trong hợp tác xã, phân phối thu nhập chủ yếu theo mức độ sử dụng dịch vụ của thành viên. Giới hạn hoạt động của hợp tác xã tùy thuộc năng lực thực tế.
Nông nghiệp công nghệ cao là nền nông nghiệp ứng dụng các công nghệ cao, nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội, bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững.
Trên thế giới, tại nhiều quốc gia, nông nghiệp chất lượng cao đã có những đóng góp đáng kể cho xã hội. Các nước phát triển nông nghiệp công nghệ cao có thể kế đến Israel, Nhật Bản, Mỹ…
GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, tuy trình độ nông nghiệp cao ở Việt Nam còn thua kém xa các quốc gia kể trên, nhưng hiện nay chúng ta cũng đã có những mô hình nông nghiệp công nghiệp cao. Như, vườn dưa lưới Điền Trạch farm Thọ Xuân (Thanh Hóa); trang trại hoa Đà Lạt Hasfarm; những doanh nghiệp khoa học công nghệ ở Sơn La với các mô hình sản xuất hoa, quả, rau; mô hình nuôi tôm trong nhà kính của Công ty Cổ phần Việt Úc (Bạc Liêu); mô hình trồng nấm công nghệ cao Đức Trung (Lâm Đồng)…