Việt Nam đã và đang tham gia sâu vào quá trình hội nhập khu vực và quốc tế, đặc biệt là dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang đến rất nhiều tiềm năng cho phát triển kinh tế. Nhưng đồng thời cũng gây ra không ít khó khăn và thách thức. Trong đó có sự cạnh tranh cao trong thị trường nhân lực do sự dịch chuyển lao động giữa các nước trong khu vực.
Theo TS.NGƯT Phạm Xuân Khánh, nguồn nhân lực của chúng ta vẫn còn nhiều điểm yếu như tính chuyên nghiệp, khả năng giao tiếp, khả năng làm việc nhóm. Bên cạnh đó là năng lực giải quyết vấn đề, khả năng tư tư duy, tự nhận biết vấn đề và tự đưa ra được những giải pháp cải tiến hiệu suất công việc.
Ngoài ra, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công dân, ý thức văn hóa công nghiệp, kỷ luật lao động, thái độ làm việc, trách nhiệm đối với doanh nghiệp, khả năng sử dụng ngoại ngữ, sự hiểu biết văn hóa các nước trong môi trường làm việc có yếu tố nước ngoài không được đánh giá cao.
Trước bối cảnh đó, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên cần chuẩn bị kỹ cho mình tinh thần, tâm thế, sự sẵn sàng vượt qua mọi sự thay đổi, khó khăn, thách thức. Cần quyết tâm khắc phục những nhược điểm cố hữu của bản thân, những điểm yếu của lao động Việt Nam. Đồng thời, tích cực học tập, rèn luyện, tích luỹ những kiến thức kỹ năng chuyên môn và liên quan để làm tiền đề cho thành công trong tương lai.
Muốn vậy, các em phải vượt qua được tư duy cũ, tư duy an toàn, thay đổi bản thân để nắm bắt các cơ hội. Các doanh nghiệp thành công trong chuyển đổi số đều cho rằng những thay đổi về văn hóa doanh nghiệp khó khăn hơn là những thay đổi về công nghệ. Bởi xét cho cùng, công nghệ cũng chỉ là một loại công cụ hỗ trợ. Công cụ dù có thông minh đến đâu mà người sử dụng không có tư duy thay đổi thì cũng không thể phát huy được tác dụng.
Vì vậy, sinh viên cũng cần chủ động, tích cực học tập, rèn luyện kỹ năng chuyên môn để có thể tiếp thu, làm chủ, khai thác và vận hành hiệu quả, những tiến bộ công nghệ, thích ứng nhanh với sự thay đổi của doanh nghiệp.
Ví dụ, các kỹ sư trong nhà máy sẽ phải biết điều khiển hệ thống robot, điều khiển các hệ thống tự động hóa… thì mới vận hành được các nhà máy thông minh, ứng dụng công nghệ 4.0.
Hiện, đã bắt đầu xuất hiện những xu hướng công việc kết hợp giữa nhiều ngành với nhau, sinh viên cần có sự hiểu biết không chỉ ở một ngành mà cả các chuyên môn khác liên quan. Ví dụ như phân tích mã gen (cần lập trình và kiến thức gen), blockchain (tài chính + công nghệ)...
Ngoài ra, sinh viên cần sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ, kỹ năng tin học trên máy tính và các thiết bị thông minh để đáp ứng các nhu cầu học tập, làm việc trong môi trường số. Chú trọng học tập và rèn luyện các kỹ năng mềm. Đó là kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tư duy sáng tạo, năng lực quản lý, nắm vững các kiến thức an toàn lao động, hiểu các tiêu chuẩn quốc tế ISO, 5S, Kaizen... áp dụng trong doanh nghiệp.