Hơn 20 năm công tác, tính cả Tết năm nay, cô Huy cho biết mình đã tròn 14 năm đón Tết trên quê hương mới cùng gia đình nhỏ. Tuy nơi đây không phải là quê cha đất tổ nhưng đã gắn bó máu thịt bởi đó là nơi khởi nghiệp, nơi có kỷ niệm về tuổi thanh xuân tươi đẹp, nơi có biết bao trò nhỏ và đồng nghiệp thân yêu, nơi có người dân quê sống chân chất, nghĩa tình…
“Tết ở Sông Hinh tuy không ồn ào, náo nhiệt như nhiều nơi khác nhưng vẫn đầy đủ không khí ấm áp của Tết cổ truyền: Có chợ hoa Xuân, có khu vui chơi giải trí cho các em nhỏ, có lễ hội đua thuyền vào mồng 6 Tết, có các khu du lịch sinh thái nên thơ (Thác H’Ly, thác Draitang, điểm du lịch văn hóa cộng đồng Buôn Lê Diêm), có những đêm hội cồng chiêng, Arap… thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài tỉnh.
Một mùa Xuân nữa lại sắp về trên quê hương Sông Hinh. Năm nay, tôi cùng gia đình nhỏ của mình cũng cảm thấy rất vui, hạnh phúc và háo hức đón chào những điều tốt đẹp nhất sang năm mới ở nơi đây. Đặc biệt, tôi rất thích không khí mùa Xuân se lạnh tỏa ra từ hơi thở của núi rừng - một nét rất riêng chỉ vùng núi mới có”, cô Nguyễn Thị Bích Huy chia sẻ.
Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc (Côn Đảo). Ảnh: NVCC |
Tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Trường ĐH Vinh năm 2005, cô Lê Na (nhà ở huyện Con Cuông, Nghệ An) lên Kỳ Sơn, một huyện biên giới của tỉnh Nghệ An, sát đường biên giới Việt Lào công tác, cách xa nhà 120km. Nơi cô đến dạy học là xã Mường Lống, được ví von như Sapa của miền Trung bởi khí hậu quanh năm mát mẻ, nhưng mùa Đông thì rét thấu xương, địa hình núi non hiểm trở, đời sống người dân hết sức vất vả.
Thời điểm đó, điện không có, cuộc sống rất khó khăn, nhưng tình yêu nghề dạy học và phong cảnh, tình cảm bình dị, chân chất, mộc mạc, giàu nghĩa tình của người dân nơi đây, cũng như sự gắn bó chia sẻ của giáo viên miền xuôi lên công tác làm vơi đi biết bao nhọc nhằn, thiếu thốn.
Cô Na nhớ như in kỷ niệm về những buổi chiều đi tắm giặt ở khe suối cùng đồng nghiệp; hái rau rừng, măng nứa cải thiện bữa ăn; dạy học bổ túc văn hóa cho dân bản. Mỗi buổi sáng lạnh thấu xương, mấy chị em lọ mọ dậy nhen bếp củi nấu một nồi mì to cho tập thể.
Nhớ những buổi theo các thầy lên đỉnh núi sửa đường ống để có nước từ trên nguồn về cho thầy trò sinh soạt. Và niềm vui ngày lễ Tết, đón nhận tình cảm giản dị nhưng đầy xúc động của phụ huynh, học sinh. Quà biếu cô giáo của các em là cân gạo mới, bó mía, bó rau, đùm đào, mận, bó cải nở hoa vàng rộm.
Thấm thoắt 15 năm trôi qua, Kỳ Sơn với cô Lê Na đã trở thành quê hướng thứ hai. Hiện cô chuyển công tác, về dạy tại Trường PTDTNT THCS Kỳ Sơn, nơi tập trung những học sinh ưu tú trong toàn huyện. Trường có 420 học sinh, thuộc 4 dân tộc Mông, Thái, Khơ mú và 5% học sinh người Kinh nhưng có hộ khẩu ở vùng đặc biệt khó khăn.
Có khoảng 60% thầy cô giáo trong trường là người từ miền xuôi lên công tác. Tập thể giáo viên giỏi, tràn đầy nhiệt huyết cống hiến. “Trường đạt nhiều thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong các hoạt động giáo dục; đi đầu trong đào tạo học sinh giỏi và nâng cao chất lượng học sinh đại trà”, cô Lê Na tự hào chia sẻ.
15 năm công tác tại Kỳ Sơn, cô Lê Na nay đã là giáo viên cốt cán chuyên môn Ngữ văn của huyện, Tổ trưởng chuyên môn tổ Khoa học xã hội, đảm nhiệm bồi dưỡng học sinh giỏi môn Ngữ văn. Ba năm gần đây, cô có 23 học sinh đoạt học sinh giỏi cấp huyện, 3 học sinh giỏi cấp tỉnh, 2 học sinh đoạt giải Nhì cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp huyện; chất lượng học sinh đại trà và thi lên lớp 10 vượt chỉ tiêu được giao. Cô là giáo viên dạy giỏi cấp huyện nhiều năm, đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2020 - 2021.
“Cuộc sống của người dân Kỳ Sơn còn muôn vàn khó khăn, vất vả. Hằng năm, lũ lụt càn quét, cuốn trôi hàng trăm ngôi nhà của dân bản và thầy cô giáo. Giáo viên miền xuôi lên công tác nơi này càng thiệt thòi gấp bội (con nhỏ gửi về xuôi nhờ ông bà chăm sóc, thiếu thốn tình cảm mẹ cha). Chỉ mong rằng, Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa cho giáo dục miền núi, để bớt đi phần nào khó khăn vất vả và những hy sinh thầm lặng mà giáo viên đã cống hiến cho quê hương đất nước, đặc biệt là giáo dục miền núi, con em dân tộc thiểu số”, cô Lê Na chia sẻ.
Theo thống kê, hơn 60% giáo viên đang công tác tại Côn Đảo là người từ các tỉnh khác đến lập nghiệp và gắn bó với ngành Giáo dục huyện đảo, cụ thể là 122/200 người. Nhìn chung, thầy cô tâm huyết, yêu nghề, chịu khó học hỏi và luôn cố gắng khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trong nhiều năm qua, ngành Giáo dục huyện Côn Đảo luôn duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các cấp. Chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng nâng cao, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn gần 100%, trong đó cấp mầm non có tỷ lệ giáo viên trên chuẩn (trình độ đại học) là 98%.
Nhiều giáo viên tiểu học, THCS đã khắc phục mọi khó khăn về địa lý, điều kiện đi lại để học tập liên thông đại học, học sau đại học để tự nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Nhiều giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh; đóng góp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của huyện. - Ông Nguyễn Văn Mạnh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Côn Đảo