Giáo dục

Đầu tư cho giáo dục đại học: Rào cản từ chính sách

13/07/2024 11:36

Thời gian qua, giáo dục đại học được chú trọng đầu tư, góp phần quan trọng trong công tác đào tạo, phát triển nhà trường.

Tuy nhiên, GD đại học còn những khó khăn nhất định.

Phụ thuộc vào học phí

Trường ĐH Cần Thơ là trường đại học trọng điểm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian qua, trường nhận được sự quan tâm đầu tư của các cấp, ngành, đặc biệt là Bộ GD&ĐT.

Từ năm 2020, nhà trường thực hiện lộ trình tự chủ mức 2 - tự chủ tài chính, tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên hoàn toàn và một phần tích lũy đầu tư phát triển. Trường cũng tự chủ về chuyên môn học thuật, công tác đào tạo đại học phát triển theo hướng đa ngành, lĩnh vực. Năng lực nghiên cứu khoa học của trường ổn định và ngày được nâng cao.

Qua từng năm, số lượng đề tài nghiên cứu các cấp tăng, đặc biệt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước tăng đáng kể. Nhà trường tiếp cận được quỹ nghiên cứu khoa học của doanh nghiệp. Hoạt động tư vấn, chuyển giao công nghệ, tham gia các sự kiện khoa học và công nghệ phát triển.

Tuy nhiên, theo GS.TS Hà Thanh Toàn - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, vấn đề lớn nhất của trường là tự chủ tài chính còn lệ thuộc nhiều vào nguồn thu học phí. Đơn cử như đại dịch Covid-19, trong năm 2020 và 2021 nhà trường duy trì mức học phí của năm 2019, nguồn thu chưa thể đáp ứng các yêu cầu tự chủ thực hiện từ năm 2020. Hoạt động dịch vụ toàn trường trong thời gian này gần như tạm ngừng, không tiếp đón đoàn quốc tế, không triển khai đề tài nghiên cứu… nên gặp nhiều khó khăn.

GS Hà Thanh Toàn nhận định, trong bối cảnh hiện nay việc thực hiện tự chủ tài chính ở các trường đại học chưa đồng bộ. Chính phủ giao quyền tự chủ về các trường, nhưng nhiều văn bản quy định pháp luật làm cho tự chủ không thể triển khai thuận lợi, thống nhất.

Ví dụ như Cục Thuế TP Cần Thơ đã ban hành Quyết định 41/QĐ-CT ngày 18/1/2021 về việc công bố công khai kết luận thanh tra thuế giai đoạn 2017 - 2019. Theo kết luận, Trường ĐH Cần Thơ phải thực hiện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung 2% trên doanh thu các khoản thu học phí (chính quy và ngoài chính quy); trong khi đó hầu hết trường đại học trên cả nước không đóng khoản thuế này.

Trường đã kiến nghị Chính phủ sớm điều chỉnh các quy định của pháp luật để đồng bộ; cần có khái niệm riêng cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo vì đây là “đơn vị sự nghiệp công lập đặc thù”, nếu gộp chung khái niệm “đơn vị sự nghiệp công lập” thì các văn bản quy định chung còn nhiều vướng mắc.

Một ví dụ khác, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Viên chức không cho phép trường trả gấp 3 lần lương quy định. Trong khi đó, nền kinh tế đất nước phát triển, nhiều doanh nghiệp lớn đến và thu hút nguồn nhân lực của trường bằng cách trả lương cao. Do đó, việc giữ chân đội ngũ cán bộ có trình độ của trường cũng là vấn đề khó khăn nếu tiếp tục trả lương theo quy định Luật Viên chức.

Trong giai đoạn phát triển mới, Trường ĐH Cần Thơ còn nhiều vấn đề cần khắc phục như: Cơ cấu tổ chức bộ máy lớn, nguồn ngân sách hạn chế, quản lý hành chính chưa linh hoạt, chưa tạo được tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị… Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, trường tập trung mục tiêu phát triển theo hướng đa ngành, lĩnh vực, trong đó đa dạng hóa nguồn thu, phấn đấu để ngân sách của trường đến cuối năm 2025 đạt 1.000 tỷ đồng.

dau tu cho giao duc dai hoc (1).jpg
Sinh viên ngành Răng Hàm Mặt (Trường ĐH Trà Vinh) trong giờ học. Ảnh: Q. Ngữ.

Thiếu kết nối

Tại Tọa đàm: “Điều hành của Hội đồng trường trong cơ sở giáo dục đại học, thực tiễn và kinh nghiệm” tổ chức gần đây, PGS.TS.BS Nguyễn Minh Phương - Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Y Dược Cần Thơ cho biết: Về đầu tư, Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hiện chưa thống nhất điều chỉnh cho phù hợp với Luật Giáo dục đại học sửa đổi và Luật Đầu tư công, nên cơ sở giáo dục đại học khó thực thi khi thực hiện hoạt động về đầu tư.

Về tài chính, năng lực quản trị đại học của nhiều trường chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, đặc biệt là cơ chế đảm bảo tính công khai, minh bạch cũng như nâng cao trách nhiệm giải trình xã hội chưa hiệu quả. Đầu tư công còn chậm, kéo dài, hạn chế trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, kiểm toán độc lập...

Trường ĐH Y Dược Cần Thơ đang chuyển sang thí điểm cơ chế tự chủ đại học, đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư. Nguồn kinh phí hoạt động của trường chủ yếu từ nguồn thu học phí. Hành lang pháp lý hướng dẫn thực hiện cơ chế tự chủ chưa đầy đủ nên trường gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động của trường đại học tự chủ…

Theo đánh giá của Bộ Y tế, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ là trường đại học y dược trọng điểm của vùng, đào tạo nhân lực y tế cho Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, trường vẫn đối diện với một số bất cập trong thực hiện tự chủ đại học; số lượng giảng viên có học hàm, học vị (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ) còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều chuyên gia giỏi trong và ngoài nước; chưa hoàn tất các hạng mục đầu tư xây dựng trường giai đoạn 2; kinh phí các hạng mục đầu tư lớn như phát triển đội ngũ nhân lực, cơ sở vật chất, hội nhập quốc tế còn giới hạn…

Trao đổi về vấn đề đầu tư cho giáo dục đại học, GS.TS Hà Thanh Toàn - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho biết thêm: Từ kinh nghiệm phát triển giáo dục đại học của các nước trên thế giới cho thấy, cần có chính sách hỗ trợ trường đại học bằng cách đầu tư cơ sở vật chất ban đầu. Trên cơ sở đó, các trường phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước xã hội để đảm bảo hoạt động thường xuyên.

Đầu tư cơ bản ban đầu, cơ chế chính sách phù hợp, kết nối giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương, hợp tác trong và ngoài nước, giữa trường đại học với nhau... sẽ tạo cơ chế đảm bảo tự chủ của các trường đại học ở Việt Nam, từ đó hội nhập cùng xu hướng tự chủ của trường đại học hàng đầu thế giới. - GS.TS Hà Thanh Toàn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đầu tư cho giáo dục đại học: Rào cản từ chính sách