Trồng người

Dạy con ứng xử đúng mực với tiền mừng tuổi

Hà Minh 29/12/2023 06:30

(GDTĐ) - Tết về, trẻ con xúng xính áo quần mới du xuân, đi Tết ông bà, họ hàng, người thân. Niềm vui của trẻ trong những ngày đầu năm là được nhận những bao lì xì mừng tuổi đỏ thắm.

Để con ứng xử đúng mực với tiền mừng tuổi, cha mẹ hãy cho con thấy 3 điều dưới đây:

Thứ nhất: Cha mẹ cần giải thích tiền mừng tuổi có ý nghĩa gì?

Cha mẹ cần giải thích tiền lì xì không phải là giá trị vật chất mà mang ý nghĩa như một lời chúc mừng năm mới đến với con trẻ. Tiền mừng tuổi dù ít hay nhiều, con cũng cần đón nhận với thái độ trân trọng, lễ phép. Nếu khách tới chơi nhà mà không mừng tuổi thì con trẻ cũng không được có thái độ đòi hỏi hay mè nheo, gợi ý tặng tiền mừng.

tien-mung-tuoi.jpg
Cha mẹ nên dạy con ứng xử đúng mực với tiền mừng tuổi.

Hãy nói cho trẻ biết về phong tục mừng tuổi đầu năm. Vào dịp Tết Nguyên đán, trẻ em và người già đều nhận được lời chúc và những phong bao lì xì đỏ tượng trưng cho sự may mắn, sức khỏe cả năm.

Phong tục có ghi rằng, phong tục lì xì vào dịp Tết bắt nguồn từ Trung Quốc. Theo truyền thuyết, Đông Hải có một cây đào rất to và có rất nhiều yêu quái sống trong bông cây. Chúng luôn muốn ra ngoài để gây hại cho nhân gian nhưng luôn bị các thần tiên ở hạ giới canh giữ. Đến giao thừa, tất cả thần tiên đều phải về trời để phân công lại nhiệm vụ, lũ yêu tinh nhân cơ hội đó quấy nhiễu những đứa trẻ đang ngủ. Ngày hôm sau, con trẻ bị sốt cao, quấy khóc không ngừng.

Có một cặp vợ chồng ngoài 50 tuổi mới sinh hạ một bé trai. Năm đó, 8 nàng tiên đi dạo quanh ngôi nhà, biết trước cậu bé này sẽ gặp tai họa với yêu quái nên biến thành 8 mảnh, ngày đêm túc trực bên cậu bé.

Sau khi cậu bé ngủ say, cặp vợ chồng gói những đồng xu trong giấy đỏ, đặt chúng trên gối của đứa bé. Nửa đêm, con quỷ hiện hình định xoa đầu đứa trẻ nhưng từ bên gối chiếu ra những tía sáng vàng rực khiến nó kinh hãi bỏ chạy. Từ đó, việc lấy tiền bọc trong bao đỏ để trừ ma quỷ, giữ gìn sức khỏe cho trẻ nhỏ mỗi dịp Tết đã trở thành phong tục đầu năm mới.

Tiền mừng tuổi cũng còn là ghi nhận những thành tích của trẻ trong năm qua. Khi nhận được phần thưởng này, con trẻ sẽ vui mừng, tự tin và có sự gắn kết tình cảm với người thân và rèn luyện tính cộng đồng khi bé trưởng thành.

Cha mẹ cần tránh ngay thái độ phân biệt về tình cảm với những người lì xì cho con mình dựa trên số tiền mừng tuổi. Đây là thái độ xấu có tác động không tốt tới trẻ.

Thứ hai: Cha mẹ hãy dạy con sử dụng tiền mừng tuổi

Cha mẹ cần có định hướng tốt nhất để trẻ sử dụng tiền mừng tuổi một cách có ý nghĩa nhất. Nhiều gia đình dạy con bằng cách cho trẻ cùng thành viên trong gia đình góp tiền để mua một đồ vật dùng chung trong gia đình hoặc bỏ vào lợn đất để dành. Dù tiền mừng tuổi của trẻ không nhiều nhưng được góp phần của mình vào công việc chung sẽ giúp cho trẻ cảm thấy tự tin khẳng định vị trí của mình trong gia đình.

tien-mung-2.jpg
Tiền mừng tuổi chỉ là một hình thức đem lại may mắn.

Mỗi lần sử dụng tiền mừng tuổi, trẻ sẽ biết quý trọng những giá trị tinh thần do tiền mừng tuổi mang lại. Cha mẹ cũng có thể hướng dẫn trẻ ủng hộ những người khó khăn hơn hay góp quỹ từ thiện. Trẻ sẽ cảm thấy tự hào về sự đóng góp của mình, đồng thời, trẻ học được cách quan tâm chia sẻ với người khác.

Cha mẹ cũng có thể hướng dẫn con trẻ dùng tiền lì xì mua sắm sách vở, đồ dùng học tập hoặc những món đồ mà trẻ cần. Cha mẹ và con cái cùng thảo luận xem mua món đồ gì, mua ở đâu, lựa chọn như thế nào... và cùng nhau đi mua. Đây cũng là dịp để cha mẹ hướng dẫn con cách tiêu tiền và sử dụng tiền hiệu quả.

Thứ ba: Quà mừng năm mới cũng thể hiện tình cảm gia đình

Dịp Tết đến, trong gia đình sẽ duy trì phong tục mừng tuổi cho người già và em bé. Với trẻ nhỏ, phong tục này sẽ giúp hình thành thói quen, nếp nghĩ về sự sẻ chia, tình cảm yêu thương và quan tâm giữa những người thân trong gia đình.

Do đó, nếu không phải là tiền mừng tuổi, cha mẹ có thể thay thế bằng những món quà khác, phục vụ cho việc học tập, giải trí, mở mang kiến thức hoặc rèn luyện kỹ năng sống cho bé. Cha mẹ cũng nên khuyến khích trẻ tự chuẩn bị món quà của riêng mình dành tặng ông bà, cha mẹ.

Khi tặng quà, cha mẹ hãy hướng dẫn con trẻ nói những câu ngắn gọn như “Chúc ông bà sức khỏe sống lâu trăm tuổi” hoặc “Chúc sức khỏe dồi dào”...

Thái độ tặng quà và nhận quà của con trẻ cũng cần phải được cha mẹ chú ý sửa chữa. Khi nhận và tặng quà, trẻ cần đưa hai tay, gương mặt tươi vui và nói lời cảm ơn.

Những món quà “kỳ diệu” và xuất hiện “bất ngờ” sẽ trở thành kỷ niệm không thể nào quên trong suốt tuổi thơ của trẻ, bồi đắp tình cảm gia đình và hình thành phong cách sống sẻ chia, yêu thương.

Ngày nay việc lì xì Tết cũng đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, những giá trị tinh thần của phong tục lì xì Tết vẫn lưu truyền đến nhiều thế hệ. Chính vì vậy, việc cha mẹ hướng dẫn con ứng xử đúng đắn với tiền mừng tuổi sẽ giúp trẻ có thái độ sống tích cực hơn.

Bài liên quan
Giáo dục trẻ kỹ năng từ lì xì ngày Tết
Lì xì là phong tục không thể thiếu trong ngày Tết, đồng thời cũng là cơ hội để thầy cô, cha mẹ giáo dục trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dạy con ứng xử đúng mực với tiền mừng tuổi