Với việc tổ chức dạy học trong bối cảnh hiện nay, có ý kiến cho rằng không nên “dàn hàng ngang” đến trường học trực tiếp, khi nào có F0, F1 lại chuyển sang học trực tuyến; mà giáo viên cần lên kế hoạch dạy học cụ thể, những nội dung nào cần trải nghiệm, hoặc quá khó thì lên lịch trực tiếp; nội dung nào đơn giản, hoặc không cần trải nghiệm thì dạy online. Cá nhân tôi cho rằng, để xác định nội dung nào quan trọng, môn học nào trải nghiệm e là mang tính chủ quan và khó trong đánh giá. Thay vào đó, chủ động phân tầng nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế để áp dụng hình thức dạy học có lẽ khả thi hơn.
Chúng ta có thể chia nhỏ lớp học, đánh giá nguy cơ, lứa tuổi chưa được tiêm vắc-xin, di biến động và tiếp xúc nhiều thành phần thì ưu tiên vào lớp học online. Ngược lại, với lứa tuổi lớn hơn đã tiêm đủ mũi, thực hiện 5K được trong lớp học thì tổ chức học trực tiếp. Có thể bố trí lớp theo mô hình ziczac và giảm thời gian 1 tiết học xuống còn 35 phút, với số học sinh dưới 20 bạn. Bên cạnh đó, phân giáo viên cố định để tránh phơi nhiễm cũng là một điểm cần lưu ý trong công tác phân công.
Kế hoạch cụ thể: Với các môn học chính, giáo viên chuẩn bị sẵn giáo án vừa trực tiếp và vừa trực tuyến. Có thể ứng dụng chuyển đổi số, như tạo ngân hàng đề, mô hình thí nghiệm 3D, quay hình bài giảng sẵn... Mỗi lớp học được trang bị camera quay trực tiếp tiết dạy và kết nối phần mềm giảng dạy (trường đang thực hiện phần mềm K12). Mỗi lớp học được đánh giá nguy cơ định kỳ trong tuần, em nào thuộc nguy cơ cao sẽ học online tại nhà, em nào nguy cơ thấp sẽ học trực tiếp. Đánh giá này dựa trên lịch sử điều tra dịch tễ, tiền sử tiêm chủng và các hướng dẫn của y tế. Nhờ y tế xây dựng tiêu chí để sàng lọc và xin chủ trương để thực hiện. Có thể giai đoạn đầu sẽ khó nhưng nếu làm quen chúng ta tạo được tiềm năng phát triển và chủ động hơn trước sự diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Để có thể thực hiện đồng bộ ý tưởng này, từ đơn vị cơ sở, chúng tôi rất mong được sự hướng dẫn, hỗ trợ từ Bộ GD&ĐT đến sở GD&ĐT và sự hợp tác của y tế, chính quyền. Nếu học sinh được sàng lọc, đánh giá nguy cơ trước khi trở lại trường, chúng tôi sẽ có giải pháp phân công, tổ chức dạy học phù hợp. Mặc dù nó khá cồng kềnh và nặng nề về mặt tổ chức, nhưng có thể kiểm soát sự lây lan cũng như tác động của đại dịch, để không có chuyện lớp nào có F0 thì lớp đó nghỉ học nữa.
Thầy Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ái Mộ (quận Long Biên, Hà Nội): Điều chỉnh kế hoạch dạy học dựa trên nguồn lực và tình hình dịch bệnh
Để hoạt động giáo dục thích ứng với điều kiện “bình thường mới”, các nhà trường cần xây dựng kế hoạch dạy học khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn của mỗi đơn vị.
Trong Chỉ thị 800/CT-BGD&ĐT về việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 ứng phó với dịch Covid-19, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng GD-ĐT, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo rất rõ việc xây dựng kế hoạch dạy học linh hoạt và chủ động phù hợp với tình hình dịch Covid-19 tại địa phương. Hơn nữa, ngành GD-ĐT đã giao quyền chủ động xây dựng chương trình cho mỗi nhà trường. Vì thế, các trường luôn phải điều chỉnh kế hoạch dạy học dựa trên nguồn lực và tình hình dịch bệnh tại địa bàn khoa học, hiệu quả.
Tại Trường THCS Ái Mộ, nhà trường bám sát theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội, Phòng GD&ĐT quận Long Biên; đồng thời thực hiện dạy học trực tuyến hoặc trực tiếp căn cứ vào tình hình cấp độ dịch trên địa bàn. Để tránh xáo trộn các hoạt động dạy học, rất cần có thời khóa biểu khoa học, phù hợp với 2 loại hình trực tuyến và trực tiếp. Hệ thống quản lý dạy học trực tuyến ổn định, các lớp được trang bị hệ thống âm thanh, đường truyền mạng; hệ thống loa, mic để có thể dạy học song song; giúp cho học sinh F0, F1 có thể học tập không bị gián đoạn. Các em có thể tương tác được với thầy cô giáo ngay trên lớp; đồng thời khi giáo viên dạy online trong điều kiện cách ly vẫn tương tác được với học sinh.
Tuy nhiên, qua thực tế, nhiều thầy cô chưa thích ứng kịp với loại hình dạy song song này do phụ thuộc nhiều vào công nghệ và cơ sở vật chất. Nếu dạy trực tuyến một thời gian, lại trực tiếp, rồi thay đổi theo cấp độ dịch cũng không phải là phương án tối ưu đem lại hiệu quả, do giáo viên luôn bị động về hình thức dạy học.
Để có thể linh hoạt, hiệu quả hơn, thiết nghĩ nên “phân tầng đối tượng” học sinh theo các tiêu chí của ngành Y tế. Ví dụ, có thể chia nhỏ lớp học, đánh giá nguy cơ, lứa tuổi chưa được tiêm, di biến động và tiếp xúc nhiều thành phần thì ưu tiên vào lớp học online. Ngược lại, với lứa tuổi lớn hơn đã tiêm đủ mũi, thực hiện 5K được trong lớp học thì tổ chức học trực tiếp.
Tổ chức dạy học như trên cần có sự chỉ đạo thống nhất, đồng bộ của các cấp; được hướng dẫn, hỗ trợ từ Bộ GD&ĐT đến Sở GD&ĐT và sự hợp tác của ngành Y tế, chính quyền địa phương.
Với nhà trường, cần tiếp tục rà soát cơ sở vật chất, tăng cường thêm học liệu số, các thiết bị dạy học trực tuyến đồng bộ, đường truyền mạng ổn định và có nền tảng quản lý học online tốt, để giáo viên có thể giảng dạy trực tiếp kết nối với học sinh học trực tuyến. Đội ngũ giáo viên được tập huấn để tiếp cận hình thức dạy học, kiểm tra đánh giá linh hoạt, chủ động khi tình hình dịch bệnh thay đổi. Tổ chuyên môn rà soát các nội dung chương trình, kế hoạch dạy học, lựa chọn các hình thức tổ chức phù hợp nhất với dạy học trực tuyến hoặc trực tiếp, tránh cứng nhắc và hình thức khi thực hiện. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, phối hợp với cha mẹ học sinh trong việc tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho con học tập; chăm lo đến sức khỏe, hướng dẫn học sinh tuân thủ tốt 5K tại trường học và cộng đồng.