Dạy học thích ứng mùa dịch với kế hoạch cập nhật từng ngày

Vân Anh | 26/02/2022, 16:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trước thực trạng dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp để bảo đảm kiến thức và an toàn cho học sinh trong khi học tập.

Học sinh tiểu học ở các huyện ngoại thành Hà Nội đã đến trường từ ngày 10/2Học sinh tiểu học ở các huyện ngoại thành Hà Nội đã đến trường từ ngày 10/2

Linh hoạt dạy học trước diễn biến dịch bệnh

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ GD&ĐT về việc mở cửa trường học trở lại với nguyên tắc “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả” trong bối cảnh dịch bệnh dự báo còn kéo dài, từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tới nay, Hà Nội cùng với hầu hết các địa phương trên cả nước đã tổ chức cho học sinh học trực tiếp.

Ghi nhận thực tế những ngày qua, công tác dạy và học của hầu hết các trường học trên địa bàn thành phố đã dần đi vào nền nếp, hiệu quả. Đặc biệt, khi phát hiện có ca F0, các nhà trường đều chủ động xử lý, hạn chế tối đa sự xáo trộn, bảo đảm an toàn cho mọi học sinh.

Từ ngày 10/2, hơn 1.600 học sinh Trường Tiểu học Tốt Động (huyện Chương Mỹ) đã trở lại trường học trực tiếp. Để đảm bảo an toàn, nhà trường đã chia nửa học sinh học sáng và chiều nhằm đảm bảo lớp cách lớp và giảm bớt sự tiếp xúc. Cùng đó, nhà trường thường xuyên rà soát để kịp thời nắm bắt tình hình của học sinh cũng như những em có có liên quan đến yếu tố dịch tễ.

Bà Lê Thị Tuyết - Hiệu trưởng trường Tiểu học Tốt Động cho biết: Sau hơn 2 tuần triển khai, việc dạy học trực tiếp đã dần ổn định. Nhà trường đã linh hoạt việc dạy học, kết hợp dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến để ứng phó với các ca F0 không ngừng gia tăng.

Theo bà Nguyễn Thị Hà Thanh - Hiệu trưởng Trường THCS Mai Động (quận Hoàng Mai), từ ngày 8/2, nhà trường đang duy trì ổn định việc dạy và học. Sau mỗi tuần, nhà trường lại rà soát, điều chỉnh cách thức tổ chức để bảo đảm trong mọi tình huống, quyền lợi và sức khỏe của học sinh luôn được đặt lên hàng đầu. Nhà trường cũng cố gắng không để gián đoạn việc học của học sinh khi có nhiều giáo viên là F0, F1...

Còn ông Lê Việt Dương - Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định chia sẻ: Sau thời gian triển khai dạy học trực tiếp, việc dạy học được duy trì và bảo đảm nền nếp. Nhà trường đã khẩn trương ứng phó linh hoạt theo đúng hướng dẫn liên ngành Y tế - Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, bình tĩnh xử lý các tình huống, tránh gây hoang mang cho phụ huynh và học sinh, đồng thời hạn chế tối đa xáo trộn việc dạy và học.

Cụ thể, đối với lớp có học sinh là F0, nhà trường lấy danh sách các F1 để chuyển sang học trực tuyến. Nếu lớp có giáo viên của cả 5 tiết liên quan đến yếu tố dịch tễ, nhà trường thông báo kịp thời để tất cả học sinh lớp đó không phải đến trường mà ở nhà học trực tuyến ngày hôm đó, hôm sau lại đến trường học trực tiếp các môn khác.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các nhà trường duy trì nền nếp dạy học

Công tác dạy học trực tiếp ổn định, hiệu quả

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, việc tổ chức cho học sinh học tập trực tiếp tại các nhà trường trên địa bàn thành phố vẫn được duy trì và bảo đảm nền nếp. Trừ trẻ mầm non của toàn thành phố và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 12 quận, học sinh các cấp học đều đã được trở lại trường học. Tỷ lệ học sinh học trực tiếp đạt trên 70%.

Ông Nguyễn Văn Hậu - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh chia sẻ: Là một trong số 18 huyện, thị xã đang tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh từ lớp 1 trở lên, huyện Mê Linh đặc biệt quan tâm giám sát việc duy trì các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Việc điều tiết kế hoạch dạy học được cập nhật từng ngày, thậm chí từng tiết học. Có khi tiết trước cô giáo vẫn dạy trực tiếp, đến tiết sau lại không thể lên lớp do nhận được thông báo có liên quan đến ca bệnh. Việc quản lý học sinh ở những lớp vừa trực tiếp, vừa trực tuyến khá vất vả, nhưng các giáo viên đều nỗ lực khắc phục, tổ chức dạy học linh hoạt”.

Ông Lê Văn Hiến - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mỹ Đức thông tin: Đến nay, 29 trường tiểu học và 23 trường THCS của huyện đều duy trì tốt việc dạy học, tận dụng tối đa thời gian dạy học trực tiếp để củng cố những nội dung cốt lõi; rèn kỹ năng, nếp học cho học sinh tiểu học.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng từ nay tới cuối năm học là chuẩn bị cho khoảng 2.800 học sinh lớp 9 tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2022-2023. Ngoài 3 môn thi bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ), các trường tổ chức dạy học đều ở các môn còn lại, giúp học sinh đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi.

Ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Việc tổ chức cho học sinh đi học trở lại nhận được sự đồng thuận của xã hội, đáp ứng sự mong mỏi của phụ huynh học sinh. Việc dạy học trong bối cảnh hiện nay khiến các thầy, cô giáo vất vả hơn, song các nhà trường đều cố gắng vừa tổ chức dạy học, vừa duy trì các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho học sinh.

Để bảo đảm quyền lợi và sự an toàn cho học sinh trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường tổ chức dạy học linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế. Cùng với việc tổ chức dạy học trực tiếp, các nhà trường cần duy trì tốt việc tổ chức dạy học trực tuyến; tăng cường hỗ trợ học sinh về mọi mặt, không để học sinh nào bị gián đoạn việc học.

Sở GD&ĐT Hà Nội cũng lưu ý các nhà trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh để hỗ trợ, đồng hành và quản lý học sinh học tập ở trường, học tập ở nhà cũng như việc di chuyển hằng ngày của học sinh từ nhà đến trường, từ trường về nhà. Trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp, giáo viên cần quan tâm theo dõi sức khỏe của học sinh để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để xử trí kịp thời.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dạy học thích ứng mùa dịch với kế hoạch cập nhật từng ngày